Ngân hàng phát triển châu Á hỗ trợ xây dựng nhiều nhà ở xã hội cho nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Mục tiêu của kế hoạch nói trên là tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đối với công tác phát triển nhà ở xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2030, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Huy động các nguồn lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030 và Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 -2030 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023; thực hiện tốt việc hỗ trợ nhà ở theo các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình xã hội hóa, nhất là đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng gặp khó khăn về nhà ở, hộ nghèo ở tại khu vực nông thôn; bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở.
Các giải pháp cho việc triển khai thực hiện kế hoạch, đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác phát triển nhà ở xã hội; tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị số 34-CT/TW, Quyết định số 927/QĐ-TTg, Kế hoạch số 167-KH/TU và các văn bản hướng dẫn thực hiện bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác phát triển nhà ở xã hội, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Đấu thầu năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2023 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật này.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở xã hội; Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương được giao tại Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2023; Nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các cơ chế, chính sách thuận lợi trong việc dành ngân sách đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án.
Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở xã hội cho công nhân và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách và tạo thuận lợi để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội theo hướng mô hình xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, phát thải các-bon thấp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận dễ dàng với nhà ở xã hội; cắt giảm tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, kinh doanh, mua bán, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.
UBND tỉnh Quảng Trị giao các Sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã; các cơ quan trên địa bàn, tổ chức chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ được phân công tại kế hoạch này bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm; Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị chủ trì, phối hợp với đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.
Hữu Tiến