Ảnh minh họa
Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết tỉnh được cấp có thẩm quyền đưa vào quy hoạch phát triển điện lực 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177,2MW. Quy hoạch điện 8 công suất lũy kế đến năm 2030 là 1.800MW và Quy hoạch điện 8 điều chỉnh công suất tăng thêm cho tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 là 560MW.
Đến nay, đã có 20 dự án điện gió đưa vào phát điện, vận hành thương mại với tổng công suất 742,2MW; 1 dự án đã hoàn thành công tác thi công, đang hoàn thiện các thủ tục liên quan để đưa vào vận hành thương mại gồm Hướng Linh 4 - 30MW); 10 dự án với tổng công suất 394MW đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư gồm LIG Hướng Hóa 1: 48MW; LIG Hướng Hóa 2: 48MW; TNC Quảng Trị 1: 50MW; TNC Quảng Trị 2: 50MW; Hải Anh: 40MW; Tân Hợp: 38MW; Hướng Phùng 1: 30MW; Hướng Linh 5: 30MW; Hướng Hiệp 2: 30MW; Hướng Hiệp 3: 30MW.
Tuy nhiên, trong số các dự án trên chỉ có 4 dự án triển khai dự kiến hoàn thành vận hành phát điện thương mại trong năm 2025, gồm: Dự án Nhà máy điện gió Hải Anh: 40MW; Dự án Nhà máy điện gió Tân Hợp: 38MW; Dự án NMĐG LIG Hướng Hóa 1: 48MW; Dự án Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1:30MW, đang được các chủ đầu tư triển khai thi công xây dựng trên hiện trường, trong đó Dự án Nhà máy điện gió Hải Anh - 40MW dự kiến hoàn thành vận hành phát điện thương mại trong tháng 6 năm 2025.
Còn lại các Dự án điện gió sau triển khai chậm tiến độ gồm: Dự án Nhà máy điện gió LIG Hướng Hóa 2; Dự án Nhà máy điện gió TNC Quảng Trị 1 và Dự án Nhà máy điện gió TNC Quảng Trị 2; Dự án NMĐG Hướng Linh 5; Dự án Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3.
Các dự án này đã được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư từ năm 2021, đã điều chỉnh chủ trương đầu tư; trong đó các chủ đầu tư đề nghị gia hạn tiến độ và đến nay, tiến độ thực hiện dự án đã quá hạn hơn 36 tháng. Đặc biệt, các Dự án Nhà máy điện gió Hướng Linh 5, Dự án Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3 chưa triển khai thực hiện dự án theo tiến độ dự án đăng ký chủ trương đầu tư.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng mới đây đã chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo về tình hình thực hiện và cho ý kiến xử lý đối với các dự án điện gió chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng trên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng yêu cầu các ngành chức năng liên quan của tỉnh này thực hiện các thủ tục chấm dứt chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đối với các dự án gồm: TNC Quảng Trị 1 và TNC Quảng Trị 2; Hướng Linh 5; Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3.
Đối với Nhà máy điện gió LIG Hướng Hóa 2, yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương báo cáo kế hoạch, tiến độ cụ thể và cam kết thực hiện rõ ràng. Đồng thời báo cáo kịp thời các khó khăn, vướng mắc để các ngành chức năng của tỉnh hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, tỉnh sẽ thực hiện chuyển dịch năng lượng tái tạo từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; xác định các giải pháp kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
Theo nội dung dự thảo của kế hoạch, dự kiến trong thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ có 43 dự án điện gió trên bờ với tổng công suất 1.800MW; 500MW điện gió ngoài khơi khu vực Trung Trung Bộ; 18 dự án thủy điện với tổng công suất 260,5MW; 3 dự án điện mặt trời với tổng công suất 119,6MW; công suất nguồn điện mặt trời mái nhà (tự sản tự tiêu) là 23MW. Các loại hình nguồn điện khác đến năm 2030 sẽ nhập khẩu điện từ Lào với quy mô công suất khoảng 2.000MW.
Đối với các dự án lưới điện truyền tải và liên kết lưới điện khu vực, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư và ngành điện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh phát triển các dự án lưới điện truyền tải 500kV, 220kV, 110kV đồng bộ với các dự án điện gió, điện mặt trời, điện khí nhằm đảm bảo giải tỏa hết công suất các nhà máy điện đầu tư trên địa bàn; kết nối với các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ, miền Trung, kết nối lưới điện với Lào.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ tranh thủ nguồn vốn để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện phân phối hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Nguyễn Thuấn