Đại diện đoàn Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể Kỳ họp thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO tại Paris - Ảnh: TĐ
Kỳ họp lần này đặc biệt có ý nghĩa khi 21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới sẽ xem xét đề cử khoảng 30 di sản mới để được ghi danh vào Danh sách Di sản Thế giới và mở rộng 2 di sản đã có trong danh sách.
Trong đó, sẽ xem xét tình trạng bảo tồn một số Di sản của Việt Nam như: Vịnh Hạ Long, Hoàng Thành Thăng Long, Tràng An - Ninh Bình và Phong Nha - Kẻ Bàng của tỉnh Quảng Trị.
Đồng thời xem xét hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới và xem xét ghi danh Di sản Vườn Quốc gia Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muồn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào như là một phần mở rộng của Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Xuân Tân và lãnh đạo các sở, ngành tham dự kỳ họp - Ảnh: T.Đ
Kỳ họp cũng đánh giá tình trạng bảo tồn của 248 di sản đã được công nhận, trong đó có cả những di sản nằm trong Danh sách Di sản Thế giới có nguy cơ.
Đề ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ các di sản này khỏi những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, hoạt động con người và các yếu tố khác.
Đồng thời thông qua nhiều quyết định quan trọng liên quan đến bảo tồn và quản lý các di sản hiện có đang bị đe dọa.
Quang cảnh phiên họp toàn thể kỳ họp thứ 47 Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO - Ảnh: T.Đ
Bên cạnh các phiên họp chính thức, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị còn tham gia nhiều sự kiện bên lề nhằm thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn di sản, gồm: Hội thảo và tọa đàm với chuyên đề “Xây dựng năng lực để cải thiện quản lý Di sản Thế giới”, “Sử dụng Công ước Di sản Thế giới để thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Kunming–Montreal”, “Phân tích khoảng trống Di sản Thế giới được cập nhật”, và sự kiện “Ra mắt phiên bản cập nhật Nền tảng bản đồ trực tuyến Di sản Thế giới” do Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO tổ chức.
Cũng tại kỳ họp, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận chủ đề “Xây dựng sự tham gia của các dân tộc bản địa trong khuôn khổ Công ước Di sản Thế giới”, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng nói của cộng đồng bản địa trong công tác bảo tồn di sản.
Điểm nổi bật của kỳ họp năm nay là toàn bộ các phiên họp hàng ngày đều được phát trực tuyến công khai trên trang web chính thức của UNESCO tại địa chỉ whc.unesco.org/en/sessions/47com.
Việc phát sóng không giới hạn số lượng người theo dõi và không yêu cầu đăng ký, cho thấy cam kết của UNESCO trong việc đảm bảo tính minh bạch và mở rộng khả năng tiếp cận thông tin cho công chúng toàn cầu.
Trung Đức