Điện mặt trời áp mái nhà là nguồn năng lượng mới đảm bảo được mục tiêu tăng trưởng xanh đối với tỉnh Quảng Trị -Ảnh: T.N
Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 20 nhà máy điện gió, 3 nhà máy điện mặt trời, 10 nhà máy thủy điện và 151 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất phát điện thương mại là 1.119,5 MW, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2020, trong đó các dự án năng lượng tái tạo chiếm phần lớn tổng công suất phát điện trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra còn có 11 dự án điện gió công suất 424 MW, 7 dự án thủy điện tổng công suất 93 MW, 1 dự án nhiệt điện than 1.320 MW, 2 dự án điện khí tổng công suất 1.840 MW đã được phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng.
Những kết quả đó cho thấy tỉnh Quảng Trị đang chú trọng phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 với các mục tiêu chính là phát triển ngành năng lượng hài hòa giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng, an ninh năng lượng quốc gia.
Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, lưu trữ và sử dụng CO2, thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại và dân dụng.
Khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và xử lý môi trường, kết hợp với xây dựng thị trường tín chỉ năng lượng tái tạo. Khuyến khích sử dụng điện được sản xuất từ nguồn năng lượng sạch; phát triển không giới hạn điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà công sở và nhà dân theo hướng tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, dự báo ngành công nghiệp hydro và thị trường hydro (nhiên liệu xanh) sẽ phát triển nhanh sau năm 2025. Để đón đầu việc phát triển trong lĩnh vực này, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo bổ sung định hướng phát triển nhiên liệu xanh vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai nghiên cứu, xác định địa điểm đầu tư và triển khai đầu tư các dự án sản xuất hydro, amoniac từ năng lượng tái tạo với quy mô công suất trên 120.000 tấn/năm.
Hiện nay tỉnh Quảng Trị đã nhận được báo cáo đề xuất của Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng O-Door và đối tác liên doanh về việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo công nghệ cao về năng lượng tái tạo (bao gồm hydro xanh) tại địa phương.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực địa, tìm kiếm vị trí đầu tư, Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng O-Door và đối tác liên doanh đề nghị tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho công ty lập đề xuất đầu tư dự án chuyển đổi năng lượng tại một phần đất có diện tích phù hợp thuộc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.
Về ý tưởng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo công nghệ cao về năng lượng tái tạo cũng như kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để điều hành, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng các dự án năng lượng trong và ngoài tỉnh là hướng đi mới, phù hợp với giai đoạn hiện nay về phát triển năng lượng tái tạo. Do đó, tỉnh Quảng Trị sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để dự án sớm được triển khai, phù hợp với dư địa, điều kiện, quy hoạch và các cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn khu vực ven biển tỉnh Quảng Trị.
Phải khẳng định rằng, sự phát triển của các nguồn năng lượng tái tạo những năm qua đã tạo việc làm cho người dân, cải thiện sinh kế và đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của các dự án năng lượng tái tạo cùng lượng công suất rất lớn từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện khu vực dẫn đến nguy cơ công suất truyền tải trên lưới điện tăng cao, gây quá tải hệ thống lưới điện trong khu vực, tiềm ẩn sự cố lưới điện truyền tải đang đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện đối với ngành điện.
Do đó, việc nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo là một yêu cầu cấp thiết. Vì vậy, Dự án Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị và đường đấu nối Quảng Trị - rẽ Vũng Áng - Đà Nẵng là công trình quan trọng, cấp bách, tăng cường giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nói riêng và các địa phương khác để truyền tải lên lưới điện quốc gia với mức công suất tăng thêm khoảng 900 MVA.
Do đó, sau khi Trạm biến áp 500 kV Quảng Trị đi vào vận hành sẽ góp phần giảm tổn thất điện năng, đảm bảo cung ứng điện cho khu vực trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành thương mại hệ thống điện quốc gia. Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với các dự án Trạm biến áp 500 kV Lao Bảo (Hướng Hóa) và đường dây 220 kV đấu nối; Trạm cắt 500 kV Quảng Trị 2 và các đường dây 500 kV đấu nối.
Hiện nay, công tác khảo sát địa chất, địa hình đã hoàn thành. EVN đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị tư vấn triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi và báo cáo, thỏa thuận chuyên ngành để các dự án sớm được triển khai nhằm giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng mới, tăng trưởng xanh của tỉnh Quảng Trị.
Tân Nguyên