Thác Pà Tuồng, xã Hướng Việt, Hướng Hóa, Quảng Trị.
Khu du lịch sinh thái Brai – Tà Puồng là một trong những dự án nằm trong danh mục được ưu tiên đầu tư theo Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch sinh thái Brai – Tà Puồng, huyện Hướng Hóa. Phạm vi lập quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Brai – Tà Puồng thuộc khu vực thôn Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt và khu vực núi Brai thuộc thôn A Xốc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Mục tiêu của Quyết định phê duyệt nói trên, là cụ thể hóa Chương trình hành động số 83-CTHĐ/TU ngày 25/7/2017 của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 08-NQ-TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Cụ thể hóa Nghị quyết số 35/2017/NQ-HĐND ngày 14/12/2017 của HĐND tỉnh Quảng Trị về việc thông qua Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị đến năm 2025 trong các lĩnh vực về văn hóa, du lịch;
Đồng thời sớm hình thành không gian văn hóa - du lịch với các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân và tăng cường liên kết vùng; Góp phần bảo tồn, quảng bá, phát triển các giá trị cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nhân văn của vùng bản địa; Xác định các khu chức năng cơ bản phục vụ du lịch, các tuyến tham quan khám phá thiên nhiên và hạ tầng phục vụ khách du lịch; Tận dụng và bảo tồn tối đa các yếu tố tự nhiên, hài hòa yếu tố cảnh quan thiên nhiên và du lịch sinh thái; Xây dựng Khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng đạt quy mô cấp tỉnh.
Đồ án quy hoạch Khu du lịch sinh thái Brai – Tà Puồng thành 4 phân khu, đó là Khu vực du lịch động Brai, có diện tích khoảng 46,5ha, gồm các không gian du lịch dưới tán rừng kết hợp giáo dục bảo vệ rừng, du lịch nông trại, khu dân cư, bãi đỗ xe, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; Khu vực du lịch cộng đồng, diện tích khoảng 39,5ha, gồm các không gian du lịch dưới tán rừng và giáo dục bảo vệ rừng, đất giáo dục, đất văn hóa, khu dân cư kết hợp dịch vụ lưu trú homestay; Khu vực du lịch nông trại diện tích khoảng 24ha, gồm các không gian dịch vụ, khu tái định cư, du lịch nông trại; Khu vực du lịch động - thác Tà Puồng với diện tích khoảng 60ha, gồm các không gian dịch vụ, đất giáo dục, khu cắm trại dưới tán rừng, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư, khu sinh hoạt cộng đồng, bãi đỗ xe kết hợp điểm dừng nghỉ, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật.
Brai – Pà Tuông là vùng miền núi có nhiều khu rừng sinh thái và thác gầm độc đáo. Từ lợi thế này, thời gia qua người Vân Kiều ở đây bắt đầu biết khai thác tiềm năng về thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc để làm dịch vụ du lịch, bằng việc chủ động tuyên truyền vận động, thành lập Tổ du lịch cộng đồng tại thôn Trăng - Tà Puồng, phục vụ du khách trải nghiệm rừng nguyên sinh, thác Tà Puồng và văn hóa bản địa.
Từ lợi thế được thiên nhiên ban tặng, cùng với việc quy hoạch xây dựng Khu du lịch sinh thái Brai - Tà Puồng kết hợp nghỉ dưỡng, phát triển du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mạo hiểm. Đây là một chiến lược phát triển du lịch mang tính khả thi cao, khi dự án được khởi động, tin rằng sẽ tạo nên một khu du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách thập phương, phát huy hiệu quả kinh tế của địa phương.
Hữu Tiến