Sau cơn mưa hạ, bầu trời trở nên trong xanh, ánh nắng trải dịu dàng trên những cánh đồng lúa trĩu hạt, nhuộm vàng ươm sắc no ấm. Bên mái nhà tranh, làn gió thoảng qua tán tre như kể mãi câu chuyện về một vĩ nhân sinh ra giữa mùa sen nở — Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân Việt Nam.
Bác Hồ và "Quê hương nghĩa trọng tình cao"
Ngắm nhìn căn nhà tranh thấp bé đặc trưng của miền Trung, qua bao năm vẫn kiên cường đứng vững trước giông bão. Nơi đây, bên chiếc án thư “Ân Tứ Ninh Gia” — món quà vua Nguyễn ban tặng cụ Nguyễn Sinh Sắc khi đỗ Phó bảng năm Tân Sửu 1901 — cũng là chốn cụ dạy dỗ con cháu về chữ nghĩa, đạo lý làm người. Tại căn nhà này, cụ Bảng từng tiếp đón bạn hữu, các chí sĩ yêu nước, cùng ngồi lại bàn chuyện quốc gia đại sự, chuyện nhân tình thế thái.
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm ngôi nhà của gia đình tại Làng Sen năm 1961. Ảnh tư liệu: Khu Di tích Kim Liên.
Và không ai ngờ rằng, chính những cuộc trò chuyện ấy đã thấm đẫm lý tưởng yêu nước, tinh thần cống hiến quên mình vào sâu thẳm trong tâm hồn người con Nguyễn Sinh Cung. Dù bôn ba khắp năm châu, Người chưa bao giờ vơi nhẹ hai tiếng “quê hương”. Trái tim, tâm hồn và cốt cách của Người vẫn vẹn nguyên chất xứ Nghệ. Như Bác từng lẩy Kiều – một thói quen của những bậc trí thức quê mình: “Quê hương nghĩa trọng tình cao / Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu Nước cho đến khi nước nhà được độc lập, rồi đến tận những năm cuối đời, Bác Hồ chỉ sắp xếp được 2 lần về thăm quê hương.
Ngày 14/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê hương lần thứ nhất. Gặp lại đồng bào quê hương, Bác xúc động: "Người ta về thăm quê thì mừng mừng tủi tủi. Tôi về thăm quê thì chỉ thấy mừng mừng!", "Là vì: bây giờ nước ta được độc lập tự do, nhân dân được sống cuộc sống hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, các cháu được học hành".
Dòng người từ mọi miền Tổ quốc về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Làng Sen, xã Kim Liên.
Người vẫn giữ nguyên giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng hồn quê. Sau hàng chục năm xa quê, ngày trở lại, Người xúc động nói: "Quê hương nghĩa trọng tình cao / Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình". Người không quên lối đi nhỏ vào nhà ngày xưa, cây bưởi trước nhà, cây mít, hàng cau phía sau, chiếc võng tuổi thơ, chiếc rương gỗ nhỏ - của hồi môn ít ỏi của mẹ, khung cửi của mẹ, chiếc phản gỗ và mấy pho sách của cha, những câu chuyện kể của bà... Người động viên thăm hỏi, khen ngợi những thành tích mà nhân dân quê nhà đã đạt được và nhắc nhở đồng bào và cán bộ phải ra sức phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, các ngành nghề khác.
Bốn năm sau, ngày 8/12/1961, Bác Hồ về thăm quê lần thứ hai. Đây là chuyến thăm mà Người đã hứa với Đảng bộ và nhân dân quê nhà trong chuyến thăm lần thứ nhất là: Nếu Đảng bộ và nhân dân làm tốt khâu sản xuất và xây dựng Đảng thì Bác sẽ về thăm lần nữa.
Khách tham quan lặng lẽ lắng nghe câu chuyện về tuổi thơ bên cánh võng đơn sơ, nhiều người không giấu được xúc động khi nghe kể về bà Hoàng Thị Loan – người mẹ tảo tần và những năm tháng ấu thơ của Bác.
Tình cảm Bác dành cho quê hương Nghệ An luôn sâu nặng. Trước đây, vì bận lo việc nước, chưa thể về thăm quê, nhưng Người vẫn thường xuyên gửi thư thăm hỏi, động viên tỉnh nhà, xã nhà bằng những lời căn dặn ân tình, những bức điện đầy tâm huyết. Có tới 28 bức thư, bài viết, bài nói chuyện và điện tín được Bác gửi về quê hương – những minh chứng cảm động cho tấm lòng thủy chung son sắt của Người với Nghệ An.
Ấn tượng đầu tiên của du khách khi về với Kim Liên có lẽ là hoa sen. Tháng 5, cũng là mùa sen nở.
Trong bức thư cuối cùng gửi tỉnh nhà vào ngày 21/7/1969, chỉ hơn một tháng trước ngày Bác đi xa. Người vẫn không quên dặn dò cán bộ, đảng viên phải khuyến khích nhân dân tích cực góp ý xây dựng Đảng, lựa chọn cán bộ xứng đáng, từ đó thắt chặt hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.
Bác căn dặn tỉnh cần chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế, đồng thời quan tâm chăm lo đời sống của nhân dân. Cuối thư, Bác viết: "Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Bác mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc".
Đó không chỉ là lời căn dặn, mà còn là mong mỏi của Người cho quê hương, bởi hơn ai hết Người hiểu những khó khăn của vùng đất quê hương, nhiều nắng mưa bão lũ, đất gió lào cát trắng khắc nghiệt khó khăn sinh kế.
Xây dựng quê hương xứng đáng với lời căn dặn của Người
Trong lần đầu tiên về thăm quê vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu”. Khắc ghi lời Bác, bao thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Kim Liên đã lấy đó làm kim chỉ nam, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Lời dặn thiêng liêng ấy đã khắc sâu trong trái tim mỗi người dân nơi đây, trở thành động lực tinh thần to lớn suốt hành trình phát triển. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, Kim Liên trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014. Đến năm 2020, xã tiếp tục được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và được UBND tỉnh Nghệ An chọn là một trong ba xã điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Diện mạo xã nông thôn mới kiểu mẫu Kim Liên.
Ông Nguyễn Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, chia sẻ: "Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn nhằm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân".
Với tinh thần quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của toàn thể hệ thống chính trị và nhân dân, đến năm 2023, Kim Liên chính thức được UBND tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu hiện thực hóa lời căn dặn năm xưa của Bác Hồ kính yêu.
Theo Chủ tịch UBND xã Kim Liên, năm 2024, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt gần 674 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 68,5 triệu đồng/người, tăng 18,8 triệu đồng so với năm 2020. Toàn xã chỉ còn 19 hộ nghèo (0,55%) và 41 hộ cận nghèo (2,4%).
Sen không chỉ là biểu tượng của quê hương Bác, mà đã trở thành sản phẩm kinh tế, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm dần nông - lâm - thủy sản. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, đời sống dân sinh đều có bước tiến rõ rệt; an ninh trật tự được giữ vững.
Hạ tầng ngày càng hoàn thiện, bộ mặt nông thôn đổi thay tích cực nhưng vẫn giữ được bản sắc làng quê. Nhờ huy động tốt nội lực và nguồn lực hỗ trợ từ các cấp, xã đã đầu tư hơn 135 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình trọng điểm.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống lịch sử, cách mạng, tinh thần yêu nước gắn với phát triển du lịch tham quan, học tập", chính quyền và nhân dân xã Kim Liên đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Các di tích lịch sử, lễ hội cổ truyền, dân ca ví, giặm… đều được gìn giữ, tôn vinh gắn liền với khai thác tiềm năng du lịch.
Trong dòng chảy đổi mới, Kim Liên đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành "miền quê đáng sống", một điểm đến thân thuộc, gần gũi với du khách trong và ngoài nước. Gần 70 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm, lời dặn của Người đã trở thành kim chỉ nam để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kim Liên kiên trì xây dựng, gìn giữ và phát triển quê hương ngày càng khởi sắc, xứng đáng là quê hương của vị lãnh tụ kính yêu.
Tối 15/5, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Nghệ An và đông đảo nhân dân, du khách dự khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2025 và khánh thành tượng "Bác Hồ về thăm quê" tại sân vận động Làng Sen (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh Từ Thành.
Theo Chủ tịch UBND xã Kim Liên, ông Nguyễn Quang Lộc, danh hiệu "xã nông thôn mới kiểu mẫu" không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kim Liên tiếp tục nỗ lực để nâng cao các tiêu chí, xây dựng quê hương Bác Hồ ngày càng giàu đẹp.
Hoàng Trinh