Mảnh đất Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình tự hào đã sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương, đất nước. Thiếu tướng Hoàng Sâm - người Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là một trong những người con làm rạng danh cho quê hương này.
Một góc làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, quê hương của Thiếu tướng Hoàng Sâm.
Thiếu tướng Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Xã Văn Hóa không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn nổi tiếng với truyền thống khoa bảng “Đệ nhất bát danh hương” ở tỉnh Quảng Bình và cũng vang danh khắp nơi với phong trào "rào làng chiến đấu" để bảo vệ cửa ngõ chiến khu Tuyên Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngôi nhà ven sông Gianh là nơi ông Trần Văn Kỳ sinh ra, gắn bó một phần tuổi thơ. Bây giờ, trong ngôi nhà này đặt trang trọng di ảnh thờ Thiếu tướng Hoàng Sâm và những người thân trong gia đình. Ông Trần Xuân Quế (ở thôn Lê Lợi, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) gọi Thiếu tướng Hoàng Sâm bằng bác kể lại, con cháu dòng họ Trần chi tộc Lệ Sơn rất đỗi tự hào về Thiếu tướng Hoàng Sâm, người con tiêu biểu của dòng tộc đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Thiếu tướng Hoàng Sâm
Nhà thờ họ Trần ở xã Văn Hóa là nơi gặp gỡ hàng năm của con cháu trong họ. Trong nhà thờ có bia tưởng niệm 30 liệt sỹ họ Trần, trong đó có Thiếu tướng Hoàng Sâm ghi ở hàng đầu tiên. Theo ông Trần Xuân Quế, các cụ cao niên vẫn thường kể lại những câu chuyện "đánh giặc" của Thiếu tướng Hoàng Sâm cho thế hệ trẻ trong làng:
“Con cháu trong dòng họ khi nghe kể về bác Kỳ (Thiếu tướng Hoàng Sâm) thì vô cùng tự hào. Chỉ tiếc một điều là nhiều thế hệ chưa thấy được, gặp được bác Kỳ trong đời thực bởi vì bác đi theo con đường cách mạng từ sớm và sau đó hy sinh. Nhưng về lý lịch, gốc tích, tiểu sử của bác thì ai cũng biết”, ông Trần Xuân Quế cho biết.
Trước Cách mạng tháng Tám, đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, đời sống nhân dân vô cùng cực khổ. Cậu bé Trần Văn Kỳ theo gia đình sang Thái Lan sinh sống. Nơi đây, ông gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động tại Thái Lan với bí danh Thầu Chín. Bác thấy cậu bé Kỳ mới 12 tuổi nhưng sáng dạ, nhanh nhẹn nên chọn làm liên lạc viên. Từ đó, Trần Văn Kỳ theo Thầu Chín đi khắp nơi hoạt động cách mạng rồi làm nên tên tuổi Thiếu tướng Hoàng Sâm sau này.
Tình yêu quê hương, sự giác ngộ cách mạng từ sớm là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc hình thành nhân cách, lòng yêu nước của cậu bé Trần Văn Kỳ. Ông hăng hái tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Cuộc đời của ông đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Ngày 22/12/1944, Hoàng Sâm được cử làm Đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) và trực tiếp chỉ huy đánh thắng Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu, góp phần cho truyền thống “bách chiến, bách thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm (Ảnh Tư liệu)
Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự nhận định, Thiếu tướng Hoàng Sâm có nhiều cống hiến đối với sự ra đời, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những thắng lợi đầu tiên về chính trị và quân sự của Đội đều có dấu ấn của Đội trưởng Hoàng Sâm. Chiến thắng này góp phần củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, động viên và cổ vũ nhân dân tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng.
Khi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân phát triển thành Đại đội, ông Hoàng Sâm tiếp tục được chọn làm Đại đội trưởng. Năm 1948, trong đợt phong quân hàm cấp tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, có 11 người thì có 2 người con của Quảng Bình là Võ Nguyên Giáp được nhận cấp hàm Đại tướng và Hoàng Sâm được nhận cấp hàm Thiếu tướng.
Đại tá Trần Ngọc Long cho biết, tháng 12/1969, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh anh dũng tại chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa. Đây cũng chính là nơi mà hơn 40 năm trước, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã ra đi để tìm đến cách mạng. Ông hy sinh ở tuổi 54 khi tài năng quân sự đang độ chín, tỏa sáng và để lại niềm tiếc thương vô hạn của Đảng ta, quân đội và nhân dân ta.
“Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên của quân đội cách mạng hoạt động theo phương châm chính trị trọng hơn quân sự; vừa xây dựng cơ sở, phát triển phong trào, vừa tác chiến theo kiểu du kích, cơ động, bí mật, bất ngờ “lai vô ảnh, khứ vô tung”. Chỉ huy một đội quân như thế phải là người từng lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng, đặc biệt là gắn bó gần gũi với quần chúng; phải là người am hiểu cách đánh du kích, người tích lũy được nhiều kinh nghiệm tổ chức chỉ huy và chiến đấu. Người đó không ai khác chính là Hoàng Sâm”, Đại tá Trần Ngọc Long cho biết.
Hy sinh ở tuổi 54 nhưng Thiếu tướng Hoàng Sâm đã có hơn 40 năm tham gia hoạt động cách mạng và có những đóng góp quan trọng trong lịch sử dân tộc cả trên lĩnh vực chính trị và quân sự. Không chỉ là vị tướng tài năng, tận tụy vì việc nước, vì nhân dân, ông còn là người cha hết mực yêu thương gia đình.
Trong ký ức của gia đình và người thân, Thiếu tướng Hoàng Sâm luôn để lại dấu ấn sâu đậm về lòng dũng cảm, sự hy sinh cùng tình yêu thương vô bờ bến dành cho gia đình. Điều này thể hiện thật rõ nét qua bức thư tay ông gửi về cho vợ và các con từ chiến trường ác liệt. Và có lẽ đó cũng chính là bức thư cuối cùng ông gửi về nhà khi chỉ một tháng sau ông hy sinh.
Gia đình Thiếu tướng Hoàng Sâm tại Hội thảo khoa học về Thiếu tướng Hoàng Sâm tổ chức tại tỉnh Quảng Bình
Ông Hoàng Sùng (ở quận Ba Đình, Hà Nội) là con trai cả của Thiếu tướng Hoàng Sâm kể rằng, ông vẫn nhớ những lần ghé thăm gia đình ngắn ngủi, cha cùng mẹ và các con ăn bữa cơm đầm ấm như bao gia đình khác. Những lần cha viết thư về, bức thư của ông là một bức tranh sống động và chân thật nhất về tình cảm gia đình giữa chiến tranh khốc liệt, đặc biệt là sự gắn bó, yêu thương và nỗi niềm của người cha xa con.
Giọng ông Hoàng Sùng ngậm ngùi, mùa Đông cuối năm 1968, cha của ông hy sinh. Do hoàn cảnh chiến tranh, gần 1 tháng sau, thi hài người cha mới đưa được ra đến Hà Nội. Ngày 1/2/1969, tang lễ Thiếu tướng Hoàng Sâm được cử hành trọng thể tại Hà Nội và là lần cuối cùng ông Hoàng Sùng được gặp lại cha.
“Bố hy sinh khi tôi khoảng 15,16 tuổi, rất buồn và thương nhớ bố, đây là sự mất mát rất lớn. Tôi được sống từ bé cùng bố cho đến khi tôi ở tuổi thiếu niên thì bố đi công tác mặt trận. Tôi luôn yêu thương và rất kính trọng về cách sống, cách làm việc và nuôi dạy con của bố mẹ, rất tự hào về người bố, người mẹ của mình”, ông Hoàng Sùng chia sẻ.
Ông Hoàng Sùng, con trai Thiếu tướng Hoàng Sâm luôn tự vào về người bố của mình
Thiếu tướng Hoàng Sâm là chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, nhà chỉ huy quân sự tài năng của quân đội, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Cuộc đời và sự nghiệp của Thiếu tướng Hoàng Sâm gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự cho biết, thể theo nguyện vọng của gia đình, ý kiến của địa phương và cơ sở từ Hội thảo khoa học về Thiếu tướng Hoàng Sâm, đề nghị Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, phối hợp các cơ quan chức năng của Trung ương, các bộ ngành liên quan, tiến hành các thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Thiếu tướng- liệt sĩ Hoàng Sâm.
Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung