'Quốc bảo' quýt Jeju thấp thỏm trong nắng nóng kéo dài

'Quốc bảo' quýt Jeju thấp thỏm trong nắng nóng kéo dài
4 giờ trướcBài gốc
Mùa hè năm 2024, nhiệt độ cao do nắng nóng đã khiến vỏ quýt bị nứt. Ảnh tư liệu: Trường Giang/PV TTXVN tại Hàn Quốc
Một người nông dân ở thành phố Seogwipo thuộc Jeju cho biết nếu nhiệt độ cao kéo dài, quýt sẽ không chuyển sang màu vàng đúng cách, điều này sẽ làm giảm khả năng tiêu thụ và nguy cơ sâu bệnh như ve và rệp cũng sẽ tăng lên. Mùa hè năm ngoái, nhiệt độ cao do nắng nóng đã khiến vỏ quýt bị nứt. Năm nay còn nóng hơn, những nông dân ở đây đã lo lắng, liên tục dùng vòi bơm phun nước lên trang trại trồng quý.
Người nông dân trồng cà rốt ở Jeju đang chuẩn bị gieo cà rốt vào tháng này cũng đang lo lắng vì trời vẫn chưa mưa. Mùa hè năm ngoái, ở thị trấn Gujwa, một đợt hạn hán kéo dài tiếp diễn sau khi trồng cà rốt, gây ra thiệt hại như hạt không nảy mầm hoặc mầm bị khô héo và chết. Đối với đậu nành, hiện người dân Jeju đã gieo hạt và dự kiến sẽ thu hoạch vào tháng 9, nhưng lo ngại rằng tỷ lệ nảy mầm sẽ giảm và tốc độ sinh trưởng sẽ chậm do tình trạng thiếu mưa gần đây.
Trung tâm nghiên cứu và mở rộng nông nghiệp Jeju đã hướng dẫn tại chỗ cho nông dân và cung cấp các hướng dẫn chăm sóc tùy chỉnh cho các loại cây trồng trên đồng ruộng, rau, trái cây họ cam quýt theo từng giai đoạn phát triển của cây. Chính quyền thành phố Jeju cũng đang sửa chữa các cơ sở cung cấp nước, bao gồm 468 giếng công cộng, 134 tháp nước và kiểm tra các thiết bị ứng phó hạn hán do từng thị trấn và quận sở hữu. Thành phố cũng đang làm việc để lắp đặt các bể chứa nước công cộng và cung cấp hỗ trợ cung cấp nước, chẳng hạn như cho thuê 176 máy bơm nước và 451 bể chứa nước di động cho các trang trại.
Vườn quýt trong nhà được sử dụng lưới che nắng và phun sương để điều hòa nhiệt độ và giữ độ ẩm. Ảnh: Trường Giang/PV TTXVN tại Hàn Quốc
Cơ quan Xúc tiến Chăn nuôi Jeju cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra hoạt động quản lý và cơ sở chăn nuôi khi đợt nắng nóng vẫn tiếp diễn; đồng thời nhấn mạnh rằng để giảm nhiệt độ cảm nhận được của vật nuôi trong chuồng gia súc, các cửa sổ của chuồng gia súc mở nên được mở và quạt thông gió nên được sử dụng để duy trì luồng không khí lưu thông trong chuồng và cần sử dụng lưới che nắng và phun sương.
Nếu đợt nắng nóng tiếp tục vượt quá nhiệt độ tới hạn trên 27-30 độ C đối với gia súc, gia súc có thể bị giảm tiêu thụ thức ăn và mắc các vấn đề về sinh sản, sụt cân và thậm chí chết. Nhiệt độ tới hạn đối với mỗi loại gia súc là 30 độ C trở lên đối với bò, ngựa và gà, và 27 độ C trở lên đối với lợn.
* Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, số điểm nóng tại tỉnh Nam Sumatra, Indonesia, tăng vọt lên 169 điểm trong tháng 6/2025, tăng gần 57% so với tháng trước. Thực tế này làm dấy lên lo ngại về một mùa cháy rừng và đất nghiêm trọng tại một trong những trọng điểm về cháy rừng của Indonesia trong thập kỷ qua.
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng ở Ogan Ilir, tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo ông Sudirman, Trưởng Phòng Ứng phó khẩn cấp thuộc Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai tỉnh Nam Sumatra (BPBD), mức tăng trên phản ánh thực tế là địa phương đang bước vào giai đoạn cao điểm của mùa khô, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8. Tình hình có thể xấu đi nhanh chóng nếu không có biện pháp kiểm soát chủ động.
Dữ liệu của BPBD cho thấy các điểm nóng tập trung tại những khu vực có lịch sử cháy rừng và đất canh tác cao như Musi Rawas (42 điểm), Musi Banyuasin (30 điểm), Muara Enim, Bắc Musi Rawas, Lahat, PALI, nơi đang chịu sức ép lớn từ hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất và khai thác nông lâm nghiệp.
Tại các thành phố lớn như Palembang, Lubuklinggau và Pagaralam, vốn trước đây ít bị ảnh hưởng, cũng xuất hiện các điểm nóng, cho thấy nguy cơ lan rộng ra cả các khu vực đô thị và ven đô.
Dữ liệu lưu trữ về sự gia tăng đột biến các điểm nóng trong năm 2023, cùng với dấu hiệu tái bùng phát năm nay, cho thấy nguy cơ "chu kỳ cháy rừng mới" đang hình thành, gắn liền với hiện tượng El Nino, thay đổi khí hậu và hoạt động đốt rừng làm rẫy chưa được kiểm soát triệt để.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng hoạt động đốt rừng làm nông nghiệp vẫn diễn ra ở quy mô nhỏ và phân tán, nhất là tại các vùng nông thôn có đất than bùn dễ cháy âm ỉ, là một nguyên nhân lớn dẫn đến các vụ cháy.
Lực lượng giám sát, thiết bị chữa cháy và năng lực dự báo địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu cũng khiến việc phản ứng bị chậm trễ, đặc biệt tại các điểm nóng xa trung tâm.
Theo các chuyên gia, về lâu dài, cần có chính sách tổng hợp giữa chính phủ trung ương và địa phương, như cung cấp sinh kế thay thế cho nông dân không phụ thuộc đốt rừng; Thiết lập vùng cảnh báo sớm với cảm biến thời gian thực; Rà soát các quy hoạch chuyển đổi đất rừng sang nông nghiệp.
Tại Indonesia, cháy rừng nghiêm trọng từng khiến hàng triệu người hít phải khói độc và nền kinh tế tổn thất hàng tỷ USD trong các năm 2015 và 2019.
Trường Giang - Đỗ Quyên (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/quoc-bao-quyt-jeju-thap-thom-trong-nang-nong-keo-dai-20250705124045426.htm