Quốc gia châu Á có thể 'soán ngôi' Trung Quốc hút đầu tư bất động sản?

Quốc gia châu Á có thể 'soán ngôi' Trung Quốc hút đầu tư bất động sản?
2 giờ trướcBài gốc
Ấn Độ có khả năng thay thế Trung Quốc trở thành thị trường tăng trưởng cao nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương trong lĩnh vực bất động sản ở tương lai. Ảnh: SCMP
Với sức hút ngày càng gia tăng đối với các công ty đa quốc gia tới thành lập các trung tâm năng lực toàn cầu (GCC), Ấn Độ đang trở thành "thỏi nam châm" đầu tư lớn đối với nhiều công ty toàn cầu, giới quan sát nhận định.
Tuy nhiên, sẽ còn một quãng đường để nền kinh tế lớn thứ ba châu Á củng cố vị thế là điểm đến đầu tư hàng đầu, vì Trung Quốc và Nhật Bản có hệ sinh thái phát triển hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, theo Ada Choi, giám đốc nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại CBRE.
Vào tháng 5, GIC của Singapore và đối tác Xander Group đã mua lại 100% cổ phần của Waverock SEZ, một khu văn phòng tại thành phố Hyderabad ở phía nam, với giá khoảng 262 triệu USD.
CapitaLand India Trust, một thực thể khác do Singapore hậu thuẫn, cũng đã mua lại 100% cổ phần của các tòa nhà Phoenix Group tại Hitec City ở Hyderabad.
Tập đoàn Daibiru của Nhật Bản đang đầu tư 123,5 triệu USD để phát triển Atrium Place, một dự án văn phòng gần thủ đô Delhi.
Brookfield Asset Management của Canada cũng đã đầu tư vào các bất động sản văn phòng và bán lẻ tại Delhi.
Theo CBRE, những thỏa thuận này đã giúp Ấn Độ trở thành điểm đến đầu tư bất động sản lớn thứ tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sau Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore trong năm nay. Về đầu tư xuyên biên giới, Ấn Độ ngang bằng với Nhật Bản khi thu hút lượng vốn đầu tư hàng đầu với 2,6 tỷ USD.
"Tôi nghĩ rằng Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc trở thành thị trường tăng trưởng cao nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai", chuyên gia Choi khẳng định. "Hiện tại, khối lượng đầu tư hoặc sự thâm nhập của các nhà đầu tư quốc tế vào Ấn Độ vẫn còn ở mức thấp".
Về đất đai và hợp tác phát triển, Ấn Độ đã nhận được khoảng 1,5 tỷ USD đầu tư xuyên biên giới trong 12 tháng tính đến tháng 6, đứng thứ ba trên toàn thế giới, theo Colliers. Con số này còn cách xa so với 36,5 tỷ USD Mỹ đầu tư vào Trung Quốc và 1,93 tỷ USD vào Singapore.
"Các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu tìm kiếm tài sản văn phòng vì nền tảng vững chắc được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng tăng của GCC", chuyên gia Choi cho biết. "Tỷ lệ lấp đầy cao ở các khu vực kinh doanh phát triển, với hiệu suất cho thuê liên tục được cải thiện".
Badal Yagnik, Tổng giám đốc điều hành của Colliers India, cho biết sức hấp dẫn của quốc gia này với vai trò một lựa chọn đầu tư bất động sản được củng cố bởi thành tựu kinh tế.
"Các khoản đầu tư của tổ chức vào bất động sản Ấn Độ đã vượt quá 60 tỷ USD trong 10 năm qua", Tổng giám đốc Badal cho biết. "Phần lớn dòng vốn đầu tư của tổ chức vào bất động sản cụ thể đến từ các nhà đầu tư nước ngoài và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục".
Với sự trỗi dậy tiềm tàng của Ấn Độ như một điểm đến ưa chuộng của dòng vốn nước ngoài, các nhà đầu tư toàn cầu có khả năng sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và cung cấp các giải pháp tài chính phù hợp cho các nhà đầu tư bất động sản hàng đầu trên thị trường Ấn Độ.
Với việc Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030 và tiếp tục tăng trưởng nhanh cho đến năm 2047, chuyên gia Yagnik ước tính rằng đóng góp của ngành bất động sản vào tổng sản lượng kinh tế sẽ đạt từ 14% đến 20% vào thời điểm đó. Ngành này chiếm từ 6% đến 8% tăng trưởng kinh tế vào năm 2021.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa toàn bộ tiềm năng như một khoản đầu tư bất động sản hàng đầu, Ấn Độ vẫn cần phát triển một nhóm các nhà đầu tư trong nước để hỗ trợ toàn diện cho sự tăng trưởng của ngành, chuyên gia Choi từ CBRE cho biết.
"Vẫn còn quá sớm để tranh luận liệu Ấn Độ có trở thành thị trường đầu tư bất động sản lớn nhất hay không", chuyên gia này khẳng định.
Nhà phân tích này khẳng định, trong khi sự tăng trưởng của Ấn Độ đến từ xuất khẩu lĩnh vực dịch vụ, Trung Quốc đã có thể đạt được quỹ đạo kinh tế thông qua ngành sản xuất.
Tuy nhiên, cũng có cảnh báo rằng rủi ro địa chính trị và khí hậu có thể trở thành “rào cản tiềm tàng trong hành trình tăng trưởng nhanh chóng của bất động sản Ấn Độ”.
Tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Ấn Độ, cũng như thị trường bất động sản của nước này phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi liền mạch và theo từng giai đoạn từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng xanh.
Liên Hà
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/quoc-gia-chau-a-co-the-soan-ngoi-trung-quoc-hut-dau-tu-bat-dong-san.html