Quốc gia 'đóng gói và bán' tình yêu như món hàng tiêu dùng

Quốc gia 'đóng gói và bán' tình yêu như món hàng tiêu dùng
4 giờ trướcBài gốc
Nhiều chương trình hẹn hò của Hàn Quốc được khán giả yêu thích. Ảnh: Netflix.
Hàn Quốc đang trong thời kỳ hoàng kim của các chương trình truyền hình thực tế về hẹn hò. Từ các chương trình có sự góp mặt của các cặp đôi có ngoại hình và vóc dáng đặc biệt như Heart Signal và Single's Inferno, cho đến tập trung vào những người đã ly hôn như Love After Divorce, và Last Love dành cho người cao tuổi, tất cả vẫn duy trì được sự phổ biến.
Phạm vi tiếp cận gần đây còn mở rộng để bao gồm các show hẹn hò dành cho các pháp sư cũng như các cặp đôi đồng giới.
Trong bài viết trên The Korea Times, David A. Tizzard, tiến sĩ nghiên cứu Hàn Quốc và giảng dạy tại Đại học Nữ sinh Seoul, Đại học Hanyang, gọi thứ tình yêu xuất hiện trên truyền hình xứ kim chi là "hàng hóa".
"Những câu chuyện về các cặp đôi hạnh phúc bình thường ở Hàn Quốc rất ít khi được đề cập. Các cuộc thảo luận thường chỉ xoay quanh những người giàu có và nổi tiếng đang hẹn hò với ai. Trên truyền hình, tình yêu, sự lãng mạn nhìn chung bị biến thành một sản phẩm tiêu dùng".
Theo Yun Bok-sil, giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu hội tụ truyền thông của Đại học Sogang, mặc dù khó có thể nói chính xác liệu các chương trình hẹn hò có phổ biến hơn ở Hàn Quốc hay các quốc gia khác hay không, sự phủ sóng hiện tại cho thấy người Hàn Quốc rất quan tâm đến việc tìm hiểu mối quan hệ lãng mạn của người khác.
Sự thỏa mãn gián tiếp
Kim Young-ah, nhà thiết kế đồ họa 36 tuổi, đã xem mọi mùa của chương trình Heart Signal của Channel A và Single's Inferno của Netflix. Cả hai chương trình này đều nổi tiếng vì chỉ tuyển chọn những người bình thường có sức hấp dẫn đặc biệt.
"Các thí sinh đều đẹp - khác xa với vẻ ngoài của người bình thường. Việc xem những người đàn ông và phụ nữ hấp dẫn phấn khích với nhau và phát triển tình cảm lãng mạn thật thú vị và mang lại cho tôi cảm giác thỏa mãn gián tiếp", cô nói.
"Đó là loại cảm xúc mà bạn không thể trải nghiệm được trong các mối quan hệ của người thường".
Các thí sinh có ngoại hình thu hút được lựa chọn tham gia Single's Inferno (Địa ngục độc thân). Ảnh: Netflix.
Kim chỉ xem hai chương trình này và tránh những chương trình khác như I'm Solo của SBS, chương trình có sự tham gia của những người bình thường tìm kiếm bạn đời để kết hôn. "Tôi không hứng thú với mối quan hệ lãng mạn của những người bình thường", cô nói thêm.
Kim cũng là một người hâm mộ cuồng nhiệt của loạt phim truyền hình lãng mạn Hàn Quốc có sự góp mặt của các diễn viên hoàn hảo thể hiện những tưởng tượng phi thực tế của các cặp đôi trẻ. Cô cho biết các chương trình hẹn hò giống như phiên bản đời thực của những bộ phim này.
Giáo sư Yun cho biết các chương trình hẹn hò phổ biến trong thế hệ trẻ thường có sự góp mặt của những thí sinh có ngoại hình ngang hàng với người nổi tiếng. "Việc biên tập và hiệu ứng hình ảnh khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn, cho phép người xem cảm thấy như thể họ là một phần của một mối tình lãng mạn kỳ ảo và trải nghiệm sự thỏa mãn gián tiếp".
Kim cho biết cô coi các chương trình hẹn hò thực tế là "viên kim cương thô". Đôi khi, khi mọi thứ diễn ra theo chiều hướng bất ngờ, có thể gây thất vọng.
Cô đã bỏ xem giữa chừng trong mùa mới nhất của Heart Signal. Nội dung tập trung nhiều vào một thí sinh nữ và một thí sinh nam cụ thể, khiến có vẻ như họ sẽ chọn nhau trong đêm cuối cùng. Tuy nhiên, trong một bước ngoặt bất ngờ, thí sinh nữ đã chọn một người khác.
"Nếu đó là một bộ phim truyền hình, nó sẽ mang lại cho tôi cái kết mà tôi mong muốn, nhưng các chương trình thực tế dường như có những hạn chế về mặt này", Kim nói.
Nghiên cứu tình yêu của người khác
Một số người cho biết họ xem các chương trình hẹn hò để tìm hiểu về các mối quan hệ và cách tương tác của mọi người.
Park Yoon-ha, lập trình viên máy tính 32 tuổi có ít kinh nghiệm hẹn hò thực tế, sử dụng những chương trình này như một công cụ học tập.
"Vì tôi không có nhiều kinh nghiệm trong các mối quan hệ, tôi không biết làm thế nào để trở nên hấp dẫn với đàn ông. Xem Heart Signal đã dạy tôi một số chiến lược", cô nói.
Dàn thí sinh của Heart Signal 4. Ảnh: Channel A.
Điều cô học được nhiều nhất là tầm quan trọng của sự bình tĩnh. "Tất cả thí sinh đều hấp dẫn, nhưng cuối cùng, những người giữ được sự bình tĩnh có xu hướng giành được tình cảm của người họ mong muốn. Ngay cả khi một người có ngoại hình tuyệt đẹp, nếu họ trở nên lo lắng, bất an hoặc hành động bốc đồng vì sợ không được yêu thích, điều đó thường làm giảm sự quyến rũ của họ và đánh mất sự quan tâm của người kia", Park nói.
Cô cũng lưu ý rằng những thí sinh trong Heart Signal và Single's Inferno thường có ngoại hình nổi bật và kinh nghiệm hẹn hò phong phú, mang lại nhiều điều để học hỏi.
Kim Sung-eun, bà mẹ 37 tuổi có con gái 1 tuổi, kể lại rằng trước khi kết hôn, cô đã xem các chương trình hẹn hò để suy nghĩ về mẫu người bạn đời mà cô sẽ chọn.
"Tôi tự hỏi, 'Liệu mình có hợp với một người như vậy không?' hoặc 'Mình sẽ làm gì nếu ở trong hoàn cảnh đó?'", cô nói. Cô cũng sử dụng hành vi của các thí sinh nam để hiểu những điều cô không thể hiểu về bạn trai mình.
Cơn sốt dopamine
Park Sung-woo, giám đốc quan hệ công chúng 38 tuổi, đang xem I'm Solo - chương trình anh tình cờ biết được thông qua thuật toán đề xuất của YouTube.
Anh mô tả trải nghiệm này như một chất kích thích dopamine. "Cuộc sống không có nhiều khoảnh khắc kích thích dopamine như thế này. Nó giống như việc chứng kiến đồng nghiệp của bạn đối đầu với nhau có thể mang lại cảm giác giải trí tức thời hơn là một bộ phim kinh phí cao với những diễn viên hoàn hảo".
Anh ấy chia sẻ một khoảnh khắc cụ thể: "Trong một tập gần đây, tôi thấy một thí sinh tên là Jung-sook khóc cả ngày như một đứa trẻ sau khi không được chọn. Tôi chưa bao giờ cười lớn như vậy khi thấy ai đó khóc".
Các bình luận viên của I'm Solo. Ảnh: Viki.
Anh đánh giá rằng I'm Solo giống một thí nghiệm xã hội khám phá những tính cách đa dạng của con người hơn là một chương trình hẹn hò đơn thuần.
"Sống chung trong một không gian hạn chế dưới áp lực tâm lý, họ lột bỏ lớp mặt nạ xã hội, để lộ bản chất thô sơ, bản năng của mình. Thật thú vị khi quan sát cách những người bình thường cư xử khi lớp mặt nạ xã hội của họ được gỡ bỏ".
Giáo sư Yun đưa ra thêm nhiều lý do giải thích cho sự phổ biến của các show hẹn hò. Nhiều chương trình hiện đại kết hợp các yếu tố bí ẩn và suy luận.
Yun cho biết: "Với những người dẫn chương trình phân tích và suy đoán cùng khán giả, chương trình không chỉ dừng lại ở những cảnh lãng mạn đơn thuần mà còn có cốt truyện hấp dẫn".
Heart Signal liên quan đến việc suy luận xem ai sẽ đến được với nhau, trong khi Single's Inferno có các nhiệm vụ và trò chơi liên tục dành cho người tham gia. I'm Solo có giá trị giải trí lớn nhờ những người dẫn chương trình như Defconn - người có phần bình luận và giải thích tình huống khiến chương trình hấp dẫn hơn.
Không phải ai cũng xem
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thu hút bởi những chương trình này. Kim Ha-young, sinh viên đại học 25 tuổi, chưa bao giờ xem một chương trình hẹn hò nào. "Tôi không quan tâm đến chuyện tình cảm của người khác chút nào. Tôi không hiểu tại sao mọi người lại tò mò về họ đến vậy".
Cô mô tả những chương trình này là "có kịch bản", được xây dựng trên một tiền đề lừa dối về thực tế. "Chúng tuân theo các quy tắc hoặc kịch bản được thiết lập, thiếu tính xác thực. Người xem đầu tư quá mức vào các thí sinh, cổ vũ hoặc lên án họ. Tôi thấy điều đó thật vô lý. Những cặp đôi này được tạo ra cho chương trình, và việc mọi người gắn bó về mặt tình cảm với họ có vẻ kỳ lạ".
Chương trình hẹn hò giữa các pháp sư Possessed Love. Ảnh: Netflix.
Cô cũng bác bỏ ý kiến cho rằng các chương trình hẹn hò có thể có những bài học hữu ích. "Tôi chỉ có thể thực sự học được về các mối quan hệ thông qua những trải nghiệm cá nhân hoặc của những người bạn thân. Xem một chương trình sẽ không cung cấp những hiểu biết có ý nghĩa".
Seo Eun-hee, giám đốc tiếp thị 35 tuổi, thấy I'm Solo đặc biệt khó chịu. "Các nhà sản xuất tỏ ra vượt trội trong các cuộc phỏng vấn với thí sinh và chương trình được biên tập thường thiếu sự quan tâm đến họ. Chương trình liên tục chiếu những cảnh có thể thu hút sự chỉ trích, thêm phụ đề để gây ra phản ứng tiêu cực. Việc giữ phần bình luận mở trên kênh YouTube mặc dù biết rằng thí sinh sẽ phải đối mặt với phản ứng dữ dội cho thấy trọng tâm chỉ là xếp hạng và doanh thu".
Một cuộc khảo sát năm 2022 đối với 500 nam và nữ chưa kết hôn ở độ tuổi 20 và 30 do công ty mai mối Duo của Hàn Quốc thực hiện cho thấy 19,6% nam giới và 28,4% phụ nữ thích các chương trình hẹn hò.
Trong số những người xem chương trình hẹn hò, lý do hàng đầu là cơ hội quan sát phong cách hẹn hò của người khác (49,6% nam giới, 52,6% phụ nữ). Tiếp theo là xem những miêu tả thực tế về hẹn hò (28,9% nam giới, 43,65 phụ nữ) và tận hưởng sự đa dạng của các thí sinh (32,2% nam giới, 35,3% phụ nữ).
Cùng một cuộc khảo sát cho thấy lý do hàng đầu khiến mọi người không xem là do thiếu hứng thú với chuyện tình cảm của người khác (32,3% nam giới, 45,8% nữ giới). Tiếp theo là những miêu tả không thực tế (37,8% nam giới, 28,5% nữ giới) và quá chú trọng vào ngoại hình (24,9% nam giới, 27,4% nữ giới).
Lê Vy
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/quoc-gia-dong-goi-va-ban-tinh-yeu-nhu-mon-hang-tieu-dung-post1525763.html