Quốc gia hứng chịu hơn 1300 trận động đất trong vòng 2 tháng

Quốc gia hứng chịu hơn 1300 trận động đất trong vòng 2 tháng
2 ngày trướcBài gốc
Trong hai tháng qua, khu vực phía bắc tỉnh Yamaguchi và vùng núi ven thành phố Hagi (Nhật Bản) đã ghi nhận tần suất động đất tăng đột biến. Theo RCC NEWS – một hãng tin địa phương, kể từ tháng 2 đến nay, hơn 1.300 trận động đất nhỏ đã được ghi nhận tại đây. Mặc dù hầu hết các trận động đất đều không đủ mạnh để người dân cảm nhận, song sự bất thường về số lượng và tần suất đã khiến giới khoa học không thể làm ngơ.
Các trận động đất tập trung nhiều nhất ở khu vực ngoại ô thành phố Hagi. Chuyên gia dự báo thời tiết Iwanaga Tetsu từ Trung tâm Khí tượng RCC cho biết bản đồ địa chấn của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hiện chi chít các chấm nhỏ – biểu thị cho các trận động đất – xuất hiện dày đặc tại vùng này. Đặc biệt, trong tháng vừa qua, số trận địa chấn ghi nhận mỗi ngày đều tăng vọt.
Giáo sư Takuya Nishimura thuộc Viện Nghiên cứu Phòng chống Thiên tai – Đại học Kyoto, nhận định rằng hiện tượng động đất dày đặc này có thể liên quan đến sự di chuyển của một loại “chất lỏng giống như nước” từ dưới sâu lòng đất. Ông cho rằng, trong khu vực Yamaguchi hiện tồn tại nhiều đứt gãy và núi lửa tiềm ẩn – có khả năng kết hợp với nhau tạo nên chuỗi chuyển động địa chất bất thường.
Theo các phân tích gần đây, tâm chấn của những trận động đất nhỏ này đang ngày càng nông hơn – từ độ sâu ban đầu khoảng 40 km, hiện nay dao động trong khoảng 25-30 km. Bên cạnh đó, vị trí ngang của các chấn tiêu cũng đang có xu hướng dịch chuyển dần từ tây sang đông – dấu hiệu cho thấy khả năng có dòng chất lỏng đang đẩy lên từ bên dưới.
Giáo sư Nishimura giải thích: “Khi chất lỏng dưới lòng đất dâng lên các lớp địa chất gần bề mặt, nó có thể kích hoạt các vết đứt gãy xung quanh, gây ra chuỗi các trận động đất. Tương tự như hiện tượng đã xảy ra ở Bán đảo Noto, tỉnh Ishikawa vào tháng 1 năm ngoái, nơi chất lỏng từ sâu trong lòng đất được cho là nguyên nhân kích hoạt một chuỗi động đất mạnh".
Yamaguchi hiện đang nằm gần nhóm núi lửa Abu – một trong hai núi lửa đang hoạt động tại khu vực Chugoku, bao gồm các tỉnh Tottori, Shimane, Okayama, Hiroshima và Yamaguchi. Việc vùng thường xuyên xảy ra động đất lại nằm gần núi lửa và các hệ thống đứt gãy khiến giới chuyên gia lo ngại về khả năng có mối liên hệ giữa hiện tượng địa chấn này với hoạt động núi lửa tiềm ẩn.
Tuy nhiên, Giáo sư Nishimura cũng cho biết hiện chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy những biến động này sẽ dẫn đến một trận động đất lớn. Ông nhấn mạnh: “Dựa trên độ sâu và vị trí hiện tại của các tâm chấn, khả năng xảy ra một trận động đất lớn là không cao. Dù vậy, nếu các tâm chấn tiếp tục nông hơn, hoặc xuất hiện dấu hiệu dịch chuyển của lớp vỏ Trái Đất, thì cần phải theo dõi sát sao và nghiên cứu thêm mối liên hệ giữa các chuyển động chất lỏng này với nguy cơ xảy ra động đất mạnh hoặc hoạt động núi lửa.”
Tình trạng động đất xảy ra liên tục dù cường độ nhỏ vẫn đang được các chuyên gia theo dõi chặt chẽ. Giới chức địa phương cũng đã được cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn, dù trước mắt chưa cần ban hành các khuyến cáo khẩn cấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhật Bản luôn nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương – một khu vực nhạy cảm về địa chất, bất kỳ tín hiệu bất thường nào cũng có thể là lời cảnh báo cho một biến động lớn hơn trong tương lai.
Minh Quân
Nguồn SaoStar : https://www.saostar.vn/vong-quanh-the-gioi/quoc-gia-hung-chiu-hon-1300-tran-dong-dat-trong-vong-2-thang-202504170034244268.html