Quốc gia khiến cả châu Âu ghen tị

Quốc gia khiến cả châu Âu ghen tị
5 giờ trướcBài gốc
Vào một buổi chiều giữa mùa đông lạnh giá ở Segovia, miền Trung Tây Ban Nha, du khách tập trung dưới chân cầu dẫn nước La Mã của thành phố, ngắm nhìn những mái vòm nổi tiếng và chụp ảnh selfie.
Nhiều du khách là người Tây Ban Nha, nhưng cũng có những người đến từ các nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ Latin khác. Tất cả họ đều bị thu hút bởi nét quyến rũ về lịch sử, ẩm thực và vẻ ấn tượng của Segovia.
Elena Mirón, một hướng dẫn viên địa phương, chia sẻ: "Trong một khoảnh khắc ở thời kỳ Covid-19, tôi nghĩ rằng 'có lẽ du lịch sẽ không bao giờ, không bao giờ trở lại như trước'".
"Nhưng bây giờ, mọi thứ rất tốt và tôi cảm thấy năm nay sẽ là một năm tốt, giống với năm 2023 và 2024. Tôi rất vui vì tôi có thể sống bằng công việc mà tôi yêu thích", bà nói thêm.
Hướng dẫn viên du lịch Elena Mirón lạc quan về sức mạnh của nền kinh tế Tây Ban Nha. Ảnh: BBC.
Tây Ban Nha đã đón kỷ lục 94 triệu du khách vào năm 2024 và hiện cạnh tranh với Pháp để trở thành trung tâm du lịch lớn nhất thế giới đối với khách quốc tế.
Công thức thành công của Tây Ban Nha
Và sự phát triển của ngành du lịch hậu Covid-19 là lý do chính khiến nền kinh tế lớn thứ 4 của khu vực đồng euro này dễ dàng vượt qua Đức, Pháp, Italy và Vương quốc Anh, đạt mức tăng trưởng GDP là 3,2% vào năm ngoái.
Ngược lại, nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,2% vào năm 2024, trong khi Pháp tăng trưởng 1,1%, Italy tăng 0,5% và Vương quốc Anh dự kiến tăng 0,9%.
Những điều đó giúp giải thích lý do tạp chí Economist xếp hạng Tây Ban Nha là nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới.
"Mô hình của Tây Ban Nha thành công vì đây là mô hình cân bằng và đây là yếu tố đảm bảo tính bền vững của tăng trưởng", Carlos Cuerpo, Bộ trưởng kinh doanh trong chính phủ liên minh do đảng Xã hội lãnh đạo, nhận định. Ông chỉ ra rằng Tây Ban Nha đóng góp 40% tăng trưởng của khu vực đồng euro vào năm ngoái.
Mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch, ông Cuerpo cũng chỉ ra các dịch vụ tài chính, công nghệ và đầu tư là những yếu tố đã giúp Tây Ban Nha phục hồi sau đại dịch, khi GDP giảm 11% trong một năm.
"Chúng ta đang thoát khỏi Covid-19 mà không để lại vết sẹo và bằng cách hiện đại hóa nền kinh tế của mình, do đó nâng cao tiềm năng tăng trưởng GDP của chúng ta", ông nói thêm.
Quá trình hiện đại hóa đó đang được hỗ trợ bởi các quỹ phục hồi sau đại dịch từ chương trình Thế hệ tiếp theo của EU. Tây Ban Nha dự kiến nhận được tới 169 tỷ USD vào năm 2026, trở thành quốc gia nhận được nhiều tiền nhất từ các quỹ này cùng với Italy.
Tăng trưởng GDP hàng năm vào năm 2024 của một số quốc gia châu Âu. Đồ họa: BBC.
Tây Ban Nha đang đầu tư tiền vào hệ thống đường sắt quốc gia, các khu vực phát thải thấp ở các thị trấn và thành phố, cũng như vào ngành công nghiệp xe điện và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ.
María Jesús Valdemoros, giảng viên kinh tế tại trường Kinh doanh IESE của Tây Ban Nha, nhận dịnh: "Chi tiêu công đã ở mức cao và chịu trách nhiệm cho khoảng 50% mức tăng trưởng của chúng ta kể từ khi xảy ra đại dịch".
Tăng trưởng của các nền kinh tế lớn khác của châu Âu đã bị cản trở do họ phụ thuộc nhiều hơn vào ngành công nghiệp so với Tây Ban Nha. Theo bà Valdemoros, ngành công nghiệp đó "đang chịu nhiều thiệt hại do các yếu tố như chi phí năng lượng cao, sự cạnh tranh từ Trung Quốc và các nước châu Á khác, chi phí chuyển đổi sang mô hình môi trường bền vững hơn và chủ nghĩa bảo hộ thương mại".
Kể từ đại dịch Covid-19, thách thức kinh tế lớn khác đối với Tây Ban Nha là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do tắc nghẽn chuỗi cung ứng và xung đột Ukraine năm 2022 gây ra. Lạm phát đạt đỉnh ở mức 11%/năm vào tháng 7 năm đó, với giá năng lượng ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến người Tây Ban Nha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, lạm phát đã giảm xuống còn 2,8%.
Madrid tin rằng các khoản trợ cấp để cắt giảm chi phí tiêu thụ nhiên liệu và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng là chìa khóa để giảm thiểu tác động của việc tăng giá năng lượng, cũng như một số lần tăng lương tối thiểu.
Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng đã đàm phán với Brussels về "ngoại lệ của Iberia", cho phép họ giới hạn giá khí đốt được sử dụng để tạo ra điện nhằm giảm hóa đơn của người tiêu dùng.
Ông Cuerpo lập luận rằng các biện pháp như vậy đã giúp chống lại tình trạng dễ bị tổn thương truyền thống của Tây Ban Nha trước tình hình bất ổn kinh tế.
"Tây Ban Nha đang chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn trước những cú sốc liên tiếp - bao gồm cả cú sốc lạm phát xảy ra trong xung đột Ukraine. Tôi nghĩ đây là một phần của lá chắn bảo vệ tổng thể mà chúng tôi đã thiết lập cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp của mình”, ông chia sẻ.
Động lực tăng trưởng của châu Âu
Sản lượng năng lượng xanh của quốc gia này được coi là một yếu tố thuận lợi khác, không chỉ đảm bảo điện mà còn thúc đẩy đầu tư. Tây Ban Nha có cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo lớn thứ 2 trong EU.
Theo ông Wayne Griffiths, CEO của Seat và Cupra, năng lượng xanh mang đến lợi ích cho Tây Ban Nha - nhà sản xuất ôtô lớn thứ hai của châu Âu. Mặc dù sản xuất xe điện của Tây Ban Nha đang tụt hậu so với phần còn lại của châu Âu, ông nhìn thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực đó.
Bất chấp những điểm tích cực này, một điểm yếu lâu đời của nền kinh tế Tây Ban Nha là tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài, cao nhất trong EU và gần gấp đôi mức trung bình của khối. Tuy nhiên, tình hình đã được cải thiện vào quý cuối cùng của năm 2024, khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 10,6%, mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Trong khi đó, số người có việc làm tại Tây Ban Nha hiện ở mức 22 triệu người, mức cao kỷ lục. Một cuộc cải cách lao động, khuyến khích sự ổn định việc làm, được coi là lý do chính cho điều này.
Du khách chụp ảnh selfie trước một địa điểm du lịch ở Tây Ban Nha. Ảnh: Reuters.
Ngoài ra, mặc dù sự xuất hiện của những người nhập cư đã thúc đẩy một cuộc tranh luận chính trị gay gắt, việc họ hòa nhập vào thị trường lao động được nhiều người coi là rất quan trọng đối với một quốc gia có dân số già hóa nhanh chóng.
Thủ tướng Pedro Sánchez đã nhấn mạnh nhu cầu về người nhập cư, mô tả sự đóng góp của họ cho nền kinh tế là "nền tảng".
Ủy ban châu Âu đã dự báo rằng Tây Ban Nha sẽ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng trong số các nền kinh tế lớn của khối trong năm nay và vẫn vượt xa mức trung bình của EU. Tuy nhiên, những thách thức đang hiện hữu ở phía trước.
Sự phụ thuộc quá nhiều vào du lịch - và phản ứng dữ dội ngày càng tăng của người dân địa phương đối với ngành này - là một mối quan ngại. Một mối quan ngại khác là khoản nợ công khổng lồ của Tây Ban Nha, cao hơn sản lượng kinh tế hàng năm của đất nước.
Tiến sĩ María Jesús Valdemoros cảnh báo rằng đây là "sự mất cân bằng mà chúng ta cần phải điều chỉnh, không chỉ vì các chuẩn mực tài chính mới của EU đòi hỏi điều đó, mà còn vì nó có thể gây ra bất ổn tài chính".
Ngoài ra, một cuộc khủng hoảng nhà ở đã bùng lên trên khắp đất nước, khiến hàng triệu người Tây Ban Nha phải vật lộn để tìm được chỗ ở giá cả phải chăng.
Với bối cảnh chính trị không chắc chắn và phân cực sâu sắc, chính phủ thiểu số của ông Sánchez rất khó giải quyết những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, trong khi cố gắng giải quyết những câu đố đó, Tây Ban Nha đang tận hưởng vị thế là động lực tăng trưởng của châu Âu.
Vân Hải
Nguồn Znews : https://znews.vn/quoc-gia-khien-ca-chau-au-ghen-ti-post1530652.html