Theo xếp hạng của Tạp chí The Economist, Tây Ban Nha đứng đầu bảng xếp hạng top 10 nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024. Ảnh: AFP
Bảng xếp hạng của The Economist dựa trên đánh giá nền kinh tế của 37 quốc gia (hầu hết là nước giàu) thông qua 5 chỉ số kinh tế tài chính: tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hiệu quả thị trường chứng khoán, lạm phát cơ bản, tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt ngân sách.
Theo The Economist, kinh tế thế giới năm 2024 đạt được những kết quả khích lệ bất chấp nhiều thách thức như lãi suất cao kỷ lục, xung đột ở châu Âu và Trung Đông và bầu cử ở nhiều quốc gia.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu tăng 3,2%. Lạm phát trên đà giảm, tăng trưởng việc làm vững trong khi thị trường chứng khoán tăng hơn 20% trong năm thứ hai liên tiếp.
Kết quả đánh giá của The Economist cho thấy Địa Trung Hải tiếp tục đạt thành tích ấn tượng trong năm thứ ba liên tiếp, với Tây Ban Nha đứng đầu danh sách năm nay.
Đứng thứ hai là quốc gia thu hút các công ty công nghệ Ireland, tiếp đến là Đan Mạch.
Hy Lạp và Italy, từng là biểu tượng khủng hoảng của khu vực đồng euro, đứng vị trí thứ 4 và 5 trong khi các cường quốc Bắc Âu gây thất vọng. Anh và Đức với thành tích kém cỏi và Latvia và Estonia lặp lại vị trí cuối bảng mà hai quốc gia Baltic này giữ vào năm 2022.
Chỉ số GDP thực được cho là thước đo tin cậy nhất về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế. Năm nay, GDP toàn cầu được thúc đẩy bởi kinh tế Mỹ với chi tiêu tiêu dùng rộng rãi.
Theo số liệu của OECD, Israel nổi lên với thành tích ấn tượng mặc dù tăng trưởng mạnh phần lớn phản ánh phục hồi sau suy giảm mạnh vào quý 4/2023 khi xung đột của nước này với lực lượng Hamas bắt đầu.
Tại Tây Ban Nha, tăng trưởng GDP hàng năm đang trên đà vượt 3%, được thúc đẩy bởi thị trường lao động mạnh mẽ và nhập cư cao, giúp nâng cao sản lượng kinh tế.
Du lịch được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp Tây Ban Nha phát triển kinh tế. Ảnh: AFP
Vì sao Tây Ban Nha đứng đầu bảng xếp hạng nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024?
Đánh giá về thành tích đứng đầu bảng xếp hạng của Tây Ban Nha, The Economist chỉ ra những thay đổi của đất nước từng được coi là ví dụ điển hình cho thất bại về kinh tế một thập kỷ trước.
Chính phủ và các ngân hàng nước này từng mắc kẹt trong vòng xoáy tử thần và phụ thuộc vào các khoản cứu trợ. Những người trẻ tuổi rời đất nước hoặc biểu tình vì thiếu cơ hội việc làm. Di tích của bong bóng xây dựng là những ngôi nhà dang dở và các sân bay bỏ hoang.
Giờ đây, Tây Ban Nha trở thành nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024 với tăng trưởng nói chung và tỉ lệ việc làm cao hơn Mỹ. Nền kinh tế nước này đang gặt hái thành quả từ những cải cách trong quá khứ, mang lại những bài học cho phần còn lại của châu lục.
Bài học đầu tiên là tập trung vào dịch vụ và không tôn sùng sản xuất. Mặc dù không giảm nhanh như Đức, một phần nhờ chi phí năng lượng thấp hơn, sản xuất công nghiệp ở Tây Ban Nha vẫn trì trệ.
Tuy nhiên, du lịch đã phục hồi sau mức thấp thời kỳ đại dịch và Tây Ban Nha đang tăng chuỗi giá trị với việc tăng xuất khẩu các dịch vụ tư vấn và bí quyết công nghệ. Các dịch vụ ngoài ngành du lịch cũng tăng từ khoảng 5,5% GDP trước đại dịch lên 7-8% hiện nay, theo ngân hàng BBVA.
Bài học khác là "sự cởi mở". Trong khi những người trẻ tuổi từng rời Tây Ban Nha để tìm kiếm cơ hội, đất nước giờ đây đang thu hút lao động nước ngoài. Từ năm 2019, lực lượng lao động sinh ra ở nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ Latinh, tăng khoảng 1,2 triệu người ở Tây Ban Nha.
Nhiều người di cư làm những công việc lương thấp, kỹ năng thấp, đồng nghĩa mặc dù nền kinh tế tăng 7% so với năm 2019, nhưng chỉ tăng 3% sau khi điều chỉnh theo mức tăng dân số.
Tuy nhiên, thành tích này vẫn tốt hơn so với Anh và Canada, các quốc gia ghi nhận mức tăng nhập cư tương đương, nhưng GDP bình quân đầu người giảm. Tây Ban Nha cũng chào đón đầu tư từ các công ty Trung Quốc.
Ngày 10/12, hãng ô tô Stellantis, và nhà sản xuất pin CATL (Trung Quốc) công bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin mới tại Zaragoza, trong khi nhà sản xuất ô tô Chery International (Trung Quốc) chọn Barcelona làm địa điểm cho nhà máy sản xuất đầu tiên tại châu Âu.
Quan trọng nhất, các cải cách cơ cấu của Tây Ban Nha đã mang đến tăng trưởng dài hạn. Phần lớn thành công gần đây của nước này phản ánh những quyết định sau cuộc khủng hoảng tài chính nhằm cải cách các ngân hàng và thị trường lao động.
Ngành tài chính được củng cố trong khi những cải cách thị trường lao động tạo thuận lợi cho việc đàm phán lại hợp đồng và khuyến khích các nhà tuyển dụng tuyển thêm nhân viên dài hạn.
Gói biện pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo, gồm việc bãi bỏ thuế năng lượng Mặt Trời giúp ngành năng lượng xanh bùng nổ.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Du lịch và nhập cư đang đẩy giá nhà lên cao trong khi đầu tư và tăng trưởng năng suất vẫn còn là vấn đề cần giải quyết.
Chính phủ không thể thông qua các cải cách tiếp theo cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, gồm giáo dục và dịch vụ, trong khi đang áp dụng những quy định rườm rà, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao.
Điều gì sẽ tác động đến kinh tế năm 2025?
Đón năm 2025, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức mới. Gần nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia đã tổ chức bầu cử trong năm nay, với nhiều quốc gia đã bầu những nhà lãnh đạo được coi là "khó đoán." Thương mại đối mặt nguy cơ, nợ chính phủ tăng và thị trường chứng khoán không cho phép sai sót.
Mặc dù vậy, ít nhất là thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy đã có sự phục hồi kinh tế vượt bậc và là bài học cho phần còn lại của châu lục.
Trang Linh