Sáng 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng với 454/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 94,78% tổng số đại biểu).
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Nghị quyết quy định tại TP Hải Phòng, UBND quận loại I có không quá 3 phó chủ tịch, quận loại II, loại III có không quá 2 phó chủ tịch.
Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, tạm đình chỉ công tác đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường trực thuộc và người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật; ký văn bản của UBND quận.
UBND phường loại I và loại II có không quá 2 phó chủ tịch, phường loại III có 1 phó chủ tịch.
Chính quyền địa phương ở TP Hải Phòng, TP Thủy Nguyên, huyện, xã, thị trấn tại thành phố là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.
Chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận. Còn chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường. Điều đó có nghĩa sẽ không tổ chức HĐND dân ở quận, phường.
Một góc TP Hải Phòng.
Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua thảo luận, ý kiến của đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành và các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành Luật về tổ chức chính quyền đô thị để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị thống nhất trên phạm vi cả nước.
Về ý kiến trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay, các cơ quan của Chính phủ đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, UBTVQH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét dự án luật này trước năm 2026.
Về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của HĐND, UBND TP Thủy Nguyên, nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng cơ bản thực hiện theo quy định chung của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Quốc hội cho phép quy định rõ trong Nghị quyết HĐND TP Thủy Nguyên được thành lập 2 ban là Ban Pháp chế - Đô thị và Ban Kinh tế - Xã hội, đồng thời xác định cụ thể về lĩnh vực phụ trách của các ban nói trên.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 để địa phương có đủ thời gian chuẩn bị các công việc cần thiết cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết và tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp của thành phố.
Việc tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng theo mô hình quy định tại nghị quyết này sẽ được thực hiện chính thức từ ngày 1/7/2026 để tương ứng với nhiệm kỳ 2026-2031 của HĐND, UBND các cấp như đối với các địa phương khác.
Phùng Đô