Sáng 12/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư trình bày tờ trình Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh, tình hình năm 2025 dự báo tiếp tục bám sát các xu thế lớn đã được Trung ương, Quốc hội thảo luận, thống nhất. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, có thể tác động không nhỏ đến kinh tế nước ta.
Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Chỉ tiêu 2021-2025 nào chưa đạt thì phải quyết tâm hoàn thành; chỉ tiêu nào đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Do đó, Chính phủ đề nghị điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay từ 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt trên 500 tỷ USD. GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đồng tình cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cả nhiệm kỳ (2021-2025).
Mục tiêu Chính phủ đề xuất cao hơn khoảng 1% so với tăng trưởng 2024 và dự báo của một số tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, tình hình trong nước và quốc tế còn tiềm ẩn khó khăn, thách thức.
Ở bên ngoài, các yếu tố bất định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước ta. Trong nước, đầu tư tư nhân tuy phục hồi nhưng vẫn còn thấp so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Điều này thể hiện qua sản xuất, kinh doanh đầu năm nay chưa có nhiều khởi sắc.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá ảnh hưởng của tình hình thế giới đối với Việt Nam, đặc biệt là các thị trường lớn, đối tác lớn và điều kiện thực hiện để bảo đảm tính khả thi, nhất là các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, an toàn nợ công.
Cơ quan này cũng cho rằng, cần đánh giá nguồn lực, khả năng huy động nguồn lực và kiểm soát rủi ro, cơ sở để đạt được mục tiêu, để có những giải pháp đột phá tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Về chỉ tiêu CPI bình quân khoảng 4,5 - 5%, theo Ủy ban Kinh tế, việc điều chỉnh chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng là cần thiết nhằm tạo không gian trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, lạm phát là chỉ tiêu quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định vĩ mô cũng như đời sống người dân và chi phí của doanh nghiệp. Số liệu cho thấy, mặc dù lạm phát bình quân năm 2024 chỉ ở mức 3,63% nhưng nhiều mặt hàng thiết yếu tăng khá cao, như lương thực tăng 12,2%, dịch vụ y tế 9%, dịch vụ giáo dục 5,7%... Trong khi đó, thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 tăng 8,6%, thấp hơn mức tăng của một số mặt hàng thiết yếu.
Do đó, trong công tác điều hành, Chính phủ cần có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và có lộ trình lộ trình thị trường với các mặt hàng Nhà nước quản lý giá, đặc biệt là chi phí người dân chi trả cho các dịch vụ giáo dục, y tế.
Liên quan đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu về bội chi và nợ công, trường hợp cần thiết cho phép điều chỉnh bội chi lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP, theo Ủy ban Kinh tế, là cần thiết để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ làm rõ kế hoạch sử dụng số bội chi, nợ công tăng thêm trong trường hợp điều chỉnh; đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, chính trị thế giới để kịp thời phản ứng chính sách, đặc biệt trong điều kiện xung đột địa chính trị diễn ra nhiều nơi trên thế giới, chiến tranh thương mại, chính sách bảo hộ của các nước lớn diễn biến phức tạp.
Đầu tư công năm 2025 là một trong những trụ cột để tăng trưởng, với số vốn được phân bổ gần 890.000 tỷ đồng, nên cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công.
Cùng với đó, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn công phải thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, để “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”.
Liên quan tới chính sách tiền tệ, tài khóa, lãnh đạo cơ quan thẩm tra lưu ý bổ sung các chính sách cụ thể về tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa…
Ngọc Thành/VOV.VN