Quốc hội giám sát tối cao về bất động sản, sửa một số luật về đầu tư

Quốc hội giám sát tối cao về bất động sản, sửa một số luật về đầu tư
2 giờ trướcBài gốc
Một phiên họp toàn thể của Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám.
Hôm nay (28/10) Quốc hội Khóa XV bắt đầu tuần làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ tám.
Dù không họp cả thứ bảy như tuần đầu tiên, nhưng khối lượng công việc của tuần này cũng khá nhiều.
Buổi sáng và nửa buồi chiều ngày làm việc đầu tiên, sau khi nghe báo cáo, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Với chuyên đề này, đoàn giám sát kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện ngay đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Đó là tập trung chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với các luật mới ban hành có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội theo thẩm quyền được giao trước ngày 1/12/2024.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thực sự khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015-2023, bao gồm cả các văn bản mới được ban hành được Chính phủ nhận định là đã điều chỉnh các hạn chế, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, thuận lợi, ổn định, khả thi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân, nhất là các quy định chuyển tiếp, bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng đất và các nguồn lực khác công bằng, công khai, hiệu quả.
Tập trung chỉ đạo công tác hướng dẫn thực hiện và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó có công tác định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và các chính sách khác có liên quan, bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, thực hiện mục tiêu nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hướng dẫn cụ thể, rõ ràng điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai dự án trong thời gian đầu thực hiện quy định của pháp luật mới được ban hành, đặc biệt là đối với các dự án chuyển tiếp.
Sau giám sát, nửa cuối chiều Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngày 29/10, bủoi sáng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Sau đó Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tiếp đến, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án đã được trình sáng cùng ngày.
Hôm sau (30/10) Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Sau đó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật này.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, mục tiêu xây dựng luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
Quan điểm là tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đã gây vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho động đầu tư sản xuất kinh doanh. Những quy định sửa đổi phải được xác định rõ ràng nội dung sửa đổi và đánh giá tác động cụ thể bảo đảm tính độc lập ổn định, kế thừa được nội dung khi sửa đổi bổ sung toàn diện pháp luật. Đảm bảo tính đồng bộ thống nhất của hệ thống pháp luật phù hợp với các điều cam kết quốc tế của Việt Nam.
Ngay sau đó Quốc hội nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Các nội dung trên được thảo luận ngay sau đó tại tổ.
Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Thứ năm (31/10) chương trình nghị sự gồm có nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế là nội dung chiều cùng ngày.
Sáng 1/11 Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Buổi chiều, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra sau đó thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
Nguyễn Lê
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/quoc-hoi-giam-sat-toi-cao-ve-bat-dong-san-sua-mot-so-luat-ve-dau-tu-d228474.html