Sáng 16/7, tại Nhà Quốc hội, Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm Trưởng đoàn giám sát, chủ trì các buổi làm việc.
EVN kiểm soát chặt nguồn thải tại các nhà máy điện
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Đoàn giám sát đã trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi và đại diện các bộ, ngành liên quan, EVN đã có các giải trình để làm rõ hơn những kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên hai phương diện: Việc hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật; việc tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo. Ảnh: ĐBND
Đoàn giám sát đã dành sự quan tâm đến việc chấp hành các quy định về quản lý khí thải công nghiệp và các vấn đề cụ thể như hệ thống thu gom tách nước thải tại Trung tâm Điện lực Phú Mỹ, cũng như những phản ánh của cử tri về bụi than và tro xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, đặc biệt là Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Lộ trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng cần được đánh giá toàn diện hơn về lượng khí phát thải hàng năm của EVN và hiệu quả các giải pháp đầu tư.
Giải trình các vấn đề đã được Đoàn giám sát nêu, Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn cho biết, kiểm soát khí thải, nước thải và chất thải rắn, khí thải, hầu hết các nhà máy nhiệt điện, than của Tập đoàn đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, bao gồm các loại lọc bụi, tĩnh điện, khử SO2 và NOx đáp ứng các quy chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, một số nhà máy cũ như Phả Lại 1, Ninh Bình chưa được lắp đặt đầy đủ các hệ thống này.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN báo cáo Quốc hội về công tác thực thi chính sách pháp luật bảo vệ môi trường. Ảnh: TTX
Về nước thải, tất cả các nhà máy điện đều có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn, một số đơn vị đã tách riêng hệ thống thoát nước mưa và nước thải theo yêu cầu của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Về tro, xỉ, giai đoạn 2021 - 2025, EVN đã phát sinh 42,21 triệu tấn tro, xỉ, trong đó đã tiêu thụ tái sử dụng được 43,91 triệu tấn, đạt 174%, chủ yếu cho sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp.
Về chất thải rắn, EVN đã thực hiện nghiêm việc phân loại, lưu giữ và chuyển giao cho các đơn vị có chức năng giấy phép xử lý theo đúng quy định.
Về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và trung hòa carbon, EVN đang triển khai chiến lược chuyển dịch năng lượng công bằng và nghiên cứu các công nghệ mới như điện gió ngoài khơi, đốt trộn sinh khối amoniac, kinh tế tuần hoàn và đánh giá tác động của doanh nghiệp đến môi trường (ESG).
Chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của EVN trong việc bảo vệ môi trường gắn với thực hiện nhiệm vụ của mình, đã đầu tư công nghệ kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải và đang chuyển dịch sang nguồn năng lượng sạch.
Điều này thể hiện cam kết của EVN đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững chung của đất nước. Tuy nhiên, qua báo cáo của EVN và ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội vẫn lưu ý những khó khăn, vướng mắc. Đó là ngành điện vẫn đối mặt với những thách thức lớn từ công nghệ cũ, việc xử lý tro, xỉ, quản lý phát thải khí nhà kính và đòi hỏi về nguồn lực đầu tư. Những vấn đề này sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường, sức khỏe cộng đồng và tiềm ẩn rủi ro, gây cản trở cho sự phát triển bền vững của chính Tập đoàn.
Do đó trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị EVN phải quyết liệt hơn nữa, xác định nhận thức rõ ràng bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, là yếu tố sống còn cho sự phát triển. Chủ động rà soát, hoàn thiện hệ thống quản lý môi trường nội bộ, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn; tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng xanh và đầu tư công nghệ tiên tiến; nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Lê Quang Huy đề nghị trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và của các thành viên Đoàn giám sát, báo cáo của EVN cần rà soát, hoàn thiện thêm thông tin số liệu về công tác bảo vệ môi trường và những kiến nghị cụ thể mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Về một số tồn tại, hạn chế cơ bản do yếu tố khách quan tác động như tình hình tro xỉ chưa tiêu thụ được còn phải lưu tại bãi thải xỉ ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và yêu cầu phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, Đoàn giám sát đề nghị EVN khắc phục khó khăn, tiếp tục đầu tư giải quyết.
Thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng thạch cao PG làm vật liệu san lấp
Tại cuộc làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Đoàn giám sát đề nghị Vinachem cung cấp số liệu các dự án, cơ sở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường trong giai đoạn từ ngày 1/1/2022 đến 30/6/2025. Đồng thời, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường.
Ông Lê Hoàng - Phó Tổng giám đốc Vinachem. Ảnh: ĐBND
Đoàn cũng đề nghị Tập đoàn cung cấp số liệu cụ thể về phát thải khí và nước thải công nghiệp thực tế, so sánh với mức phát thải được cấp phép; báo cáo hiện trạng tồn đọng tro xỉ, chất thải gyps tại các bãi thải tính đến nay, cũng như các biện pháp xử lý thời gian tới. Kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2022 - 2024 hơn 317 tỷ đồng, cần làm rõ chi cho các nội dung nào?
Đoàn cũng đề nghị Vinachem báo cáo cụ thể tình hình thực hiện kiểm kê tổng lượng khí nhà kính phát thải hằng năm đối với các cơ sở thuộc diện phải kiểm kê theo quy định tại quyết định của Thủ tướng.
Báo cáo Đoàn giám sát, ông Lê Hoàng, Phó Tổng giám đốc Vinachem, cho biết tháng 5/2025, Tập đoàn đã ban hành kế hoạch triển khai chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Vừa qua, Tập đoàn đã chỉ đạo và quán triệt tới thủ trưởng các đơn vị trực thuộc nghiêm túc triển khai kiểm kê khí nhà kính.
Đến ngày 30/6/2025, tổng lượng tro xỉ, chất thải gyps, thạch cao đang tồn đọng tại các bãi thải là hơn 7,4 triệu tấn, trong đó Công ty DAP – Vinachem tồn 3,85 triệu tấn, Công ty DAP 2 – Vinachem tồn 3,63 triệu tấn. Hiện Công ty DAP 2 - Vinachem đã phối hợp với các đơn vị triển khai dự án bổ sung dây chuyền xử lý, tái chế gyps công suất 850 nghìn tấn/năm.
Tuy nhiên, đến nay, còn nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được các bộ ban hành. Trong đó có tiêu chuẩn, quy chuẩn về việc xử lý thạch cao PG dùng làm vật liệu san lấp, vật liệu làm nền, móng đường giao thông, hoàn nguyên các khu vực đã kết thúc khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật về khoáng sản và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc chôn lấp bã thải gyps (thạch cao PG) trong trường hợp bã thải gyps không thể sử dụng, tái chế. "Đây là một trong những khó khăn lớn, khiến cho việc xử lý, tiêu thụ thạch cao PG chưa đạt được như mục tiêu"- ông Lê Hoàng cho biết.
Chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh ngành hóa chất là nền tảng cho nhiều ngành công nghiệp khác, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đặc thù sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hóa chất cũng tiềm ẩn những nguy cơ rất lớn đối với môi trường và sức khỏe con người, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ, trách nhiệm cao hơn bao giờ hết.
Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những nỗ lực đáng kể và kết quả tích cực của Tập đoàn trong việc bảo vệ môi trường gắn với việc thực hiện nhiệm vụ, trong việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải nguy hại và từng bước áp dụng công nghệ sạch hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị trong thời gian tới, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cần nghiêm túc, chủ động tuân thủ mọi quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Luật Hóa chất năm 2025, đặc biệt là các quy định về quản lý hóa chất, chất thải nguy hại và giấy phép môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: ĐBND
Phát biểu kết luận cuộc việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát, đề nghị Vinachem trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Đoàn, tiếp tục rà soát, hoàn thiện báo cáo, bảo đảm yêu cầu về chất lượng, nội dung, thể thức; gửi báo cáo bổ sung đến Đoàn trước ngày 25/7/2025. Đồng thời, Tập đoàn nghiêm túc thực thi nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, ví dụ cấp phép môi trường; tăng cường đầu tư kiểm soát khí thải, chất thải; ứng phó sự cố môi trường…
Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cũng đề nghị các bộ, ngành trong phạm vi lĩnh vực quản lý kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đặc biệt liên quan đến các sản phẩm tuần hoàn, không để xảy ra tình trạng không thể xử lý được chất thải hoặc đưa sản phẩm ra thị trường do thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Xi măng Việt Nam.
Thu Hường