Quốc hội nhất trí sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Quốc hội nhất trí sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
8 giờ trướcBài gốc
Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. (Ảnh: Media Quốc hội).
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 5/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về "Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013" và "Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013".
THÀNH LẬP ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA HIẾN PHÁP
Sau phiên thảo luận, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 452/452 đại biểu có mặt tán thành và thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, với 446/446 đại biểu có mặt tán thành.
Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 2 Điều. Cụ thể, Điều 1: Quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó tập trung vào các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Cá đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Điều 2: Quốc hội thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quyết nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên, gồm: 1 Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 3 Ủy viên Thường trực và 8 Ủy viên.
Nghị quyết về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 quyết nghị thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Chủ tịch Ủy ban. Các Phó Chủ tịch Ủy ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long. Các Ủy viên Thường trực gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp; giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua.
SỬA HIẾN PHÁP PHẢI ĐẢM BẢO QUY TRÌNH THEO ĐÚNG QUY ĐỊNH
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 01 (Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội) sáng 5/5, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định rằng Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng. Một trong những nội dung rất quan trọng là sửa đổi một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải đảm bảo quy trình theo đúng quy định, phải lấy ý kiến Nhân dân".
Đánh giá các cơ quan soạn thảo, Quốc hội, Chính phủ… đã chuẩn bị hết sức chu đáo, Tổng Bí thư nêu rõ, lần sửa đổi Hiến pháp này sẽ tập trung sửa một số điều phục vụ cho các yêu cầu cấp thiết trước mắt. Nếu có thể, sẽ xem xét sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản, dự kiến kỳ Đại hội sau. Có thể tính toán bổ sung Cương lĩnh phát triển đất nước, tổng kết 40 năm đổi mới và định hình phương hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới vào kỳ đại hội sau, khi đó mới xem xét sửa đổi Hiến pháp.
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 01 (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp cần đảm bảo đúng quy trình, quy định, phải lấy ý kiến của Nhân dân.
Tổng Bí thư mong muốn các đại biểu lắng nghe ý kiến của nhân dân, tập trung sửa đổi một số điều của Hiến pháp và xây dựng pháp luật.
Thảo luận ở hội trường nội dung này chiều ngày 5/5, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là một bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo, thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo đại biểu, việc sửa đổi Hiến pháp 2013 ở thời điểm hiện nay là yêu cầu tất yếu của thực tiễn sau hơn 1 thập kỷ thực hiện, nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013 dù đã góp phần ổn định tổ chức bộ máy và phát huy dân chủ nhưng đang bộc lộ những giới hạn và khoảng trống, nhất là trước yêu cầu tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính.
Đại biểu đánh giá, “việc sửa đổi bổ sung lần này “đúng” và “trúng” các nút thắt thể chế. Đó là tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, loại bỏ sự cồng kềnh, giao thoa 3 cấp, giảm tầng lớp trung gian để thực hiện có hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh, linh hoạt, tập trung và trách nhiệm”.
Việc sửa đổi cũng củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội, từ đó không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà phải là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất, phản biện chính sách, tham gia thiết kế chính sách công. Đồng thời, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Đây là vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang đặt ra cấp bách, cần được Hiến pháp quy định.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu, phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trưởng chiều ngày 5/5.
Về thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp, ông Hùng nhận thấy đây là việc cần thiết và đúng quy định. Theo đại biểu, thành phần của Ủy ban dự thảo được đề xuất là những người tiêu biểu từ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các bộ ngành, đảm bảo sự bao quát đa chiều, gắn kết giữa lý luận, thực tiễn và kỹ thuật lập hiến.
Để Hiến pháp thực sự là bản khế ước giữa nhân dân và nhà nước, vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước, thể hiện trách nhiệm lịch sử của Quốc hội khóa XV, đại biểu đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để "dân biết, dân bàn, dân góp ý", đồng thời dân phải đồng thuận cao. Đồng thời xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật lập hiến theo hướng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán.
Còn theo đại biểu Thạch Phước Bình, đoàn Trà Vinh, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là một quyết định hệ trọng cần được tổ chức thực hiện với trách nhiệm cao nhất từ Quốc hội tới toàn hệ thống chính trị.
Nhất trí cao với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, một số đại biểu nhấn mạnh việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu ý kiến của nhân dân là hết sức quan trọng và cần thiết. Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc tọa đàm lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận và bàn bạc, phân tích các vấn đề...
Đỗ Phong
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/quoc-hoi-nhat-tri-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-hien-phap-nam-2013.htm