Vào ngày 2/12, ông Barnier - cựu Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU - đã có một động thái gây tranh cãi theo hiến pháp để bỏ qua Quốc hội nước này, thúc đẩy thông qua dự luật tài trợ an sinh xã hội. Phản ứng lại, phe đối lập cánh tả đã đưa ra một động thái bất tín nhiệm.
Lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp - bà Marine Le Pen - tuyên bố với các phóng viên hôm 2/12 rằng đảng của bà sẽ bỏ phiếu lật đổ Chính phủ của Thủ tướng Barnier. Nếu Quốc hội phế truất Thủ tướng Barnier, đây sẽ là lần đầu tiên một Chính phủ Pháp thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.
Thủ tướng Pháp Michel Barnier. Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích chính trị đánh giá chính phủ của Thủ tướng Barnier nhiều khả năng sẽ là chính phủ đầu tiên bị buộc phải giải tán sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong hơn 60 năm qua. Điều này sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng euro lún sâu hơn trong cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn để kiềm chế thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Nếu Thủ tướng Barnier không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhệm vào hôm nay, Tổng thống Emmanuel Macron vẫn có thể yêu cầu ông Barnier tiếp tục giữ vai trò Thủ tướng tạm quyền trong thời gian Tổng thống tìm kiếm một thủ tướng mới.
Thủ tướng Barnier được Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm vào tháng 9 sau cuộc tổng tuyển cử không có kết quả rõ ràng, không có đa số ghế trong Quốc hội Pháp và luôn “nơm nớp” đứng trước nguy cơ bị bỏ phiếu bất tín nhiệm mà nếu thành công, sẽ buộc chính phủ do ông lãnh đạo phải từ chức.
Tâm Hiếu/VOV1 (biên dịch) Theo Reuters