Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, chiều 28/4, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 64 nội dung, nhóm nội dung.
Cụ thể gồm: 3 nghị quyết về công tác lập hiến; 49 luật, nghị quyết thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng khác của đất nước.
Đồng thời, có 8 nhóm nội dung các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội nghiên cứu, làm cơ sở để thực hiện quyền giám sát và xem xét các nội dung theo quy định.
Ông Lê Quang Tùng cũng cho hay, rút khỏi chương trình Kỳ họp 4 nội dung gồm: Dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Tiếp theo là: Xem xét, quyết định việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, quyết định chủ trương hỗ trợ vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 37 ngày và có bố trí làm việc một số ngày cuối tuần; khai mạc vào sáng ngày 5/5/2025, dự kiến bế mạc chiều ngày 28/6/2025 và được tổ chức thành 2 đợt: Đợt 1: từ ngày 5/5/2025 - 29/5/2025; đợt 2: từ ngày 11/6 đến hết ngày 28/6/2025.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Văn phòng Quốc hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV thành công.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nhấn mạnh, thời gian từ nay đến khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV không nhiều, đây là giai đoạn nước rút. Do vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát từng điều, từng chương, từng luật.
Nếu có khó khăn, vướng mắc, còn ý kiến khác nhau, Quốc hội sẵn sàng làm việc ngoài giờ để tháo gỡ vướng mắc mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra chưa có sự đồng thuận, còn ý kiến khác nhau...
Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Văn phòng Quốc hội đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, y tế, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh… Đến thời điểm này, cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị để sẵn sàng phục vụ kỳ họp.
Quỳnh Nga