Quốc hội thảo luận NSNN; sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam

Quốc hội thảo luận NSNN; sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
2 giờ trướcBài gốc
Buổi sáng, từ 08-10 giờ, truyền hình phát thanh trưc tiếp Quốc hội họp thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027;
Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025;
Tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Từ 10 giờ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, từ 8h – 9h45 sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các nội dung nêu trên đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, với 69 ý kiến phát biểu; các ý kiến thảo luận đã được Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu; đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận vào các nội dung đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội; các gợi ý thảo luận của cơ quan thẩm tra đã chuẩn bị, trong đó tập trung vào thách thức cần phải vượt qua; bất cập, khó khăn, vướng mắc và các giải pháp tháo gỡ để đảm bảo cân đối ngân sách, hoàn thành nhiệm vụ thu chi ngân sách, chi thường xuyên, chi đầu tư năm 2024; xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Các đại biểu cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính và các quỹ tài chính ngoài ngân sách năm 2024 và dự kiến kế hoạch năm 2025; các bất cập, hạn chế, nguyên nhân và các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch. Các đại biểu cho ý kiến về sự cần thiết, căn cứ pháp lý, tính phù hợp, hiệu quả của các nội dung Chính phủ trình đề nghị điều chỉnh bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
Tại phiên họp, sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các ĐBQH đối với việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
Về các ý kiến liên quan đến việc chi đầu tư và chi thường xuyên, chưa phân bổ hết dự toán, giải ngân chậm. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho rằng đây là vấn đề thực tiễn hiện nay, đòi hỏi việc phân bổ dự toán ngân sách trong thời gian tới cũng như về bố trí kế hoạch chi đầu tư phát triển và các vấn đề liên quan phải được đổi mới cả về hình thức và cách thức thực hiện.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Việc phân bổ chi cho khoa học công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt.
Về giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp về vấn đề này, sắp tới sẽ có sự đổi mới về vấn đề phân bổ, cũng như chi thường xuyên và chi đầu tư.
Ví dụ như, trong chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn sẽ giao một lần cho các đơn vị (các tỉnh và các bộ ngành). Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ phân bổ ngân sách theo quy định. Sau đó, Bộ Tài chính làm nhiệm vụ kiểm tra lại việc thực hiện.
Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, theo Phó Thủ tướng chủ yếu là tiết kiệm ở các sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm rồi chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ. Còn tiền lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại 65% là các khoản chi khác.
Để giảm chi thường xuyên, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, đơn vị giảm công tác phí, chi tiêu ở các hội nghị, hội thảo, tiếp khách. Trong năm nay, Chính phủ cũng đã trình là cả nước giảm tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ chi thường xuyên.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, Thường trực Chính phủ đang chỉ đạo tiết kiệm chi trong đầu tư công. Trước đây, trong những năm 2009-2011, Chính phủ đã thực hiện việc này, đến nay, việc này được tái khởi động lại, cụ thể là tiết kiệm từ định mức dự toán đến định mức thi công, tiết kiệm trong bảo quản, thi công, vận chuyển... Vấn đề này sẽ được đưa vào hồ sơ mời thầu để tổ chức đấu thầu.
Thứ ba, về một số vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên,… Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay có một số vướng mắc như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất công việc thi công. Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này.
Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm.
Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất. Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề.
Về nợ tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng cho biết trên phạm vi cả nước, số nợ tiền sử dụng đất "chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước". Đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. Vấn đề này cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ.
Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần; tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện.
Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin quay trở lại thực hiện tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.
Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công sửa đổi đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh, liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước.
Về ý kiến liên quan đến Quỹ BHXH dư hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Phó Thủ tướng cho biết đây là số dư trên số sách dùng để trả lương hằng tháng cho người hưu trí.
Số dư này không nằm trên tài khoản tiền gửi. Cụ thể, số dư này đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ 80%; còn 20% gửi ở các ngân hàng thương mại (chủ yếu là các ngân hàng thương mại của nhà nước để tránh rủi ro).
Các quốc gia khác cũng quản lý tương tự như vậy, số dư của quỹ bảo hiểm xã hội cũng đầu tư vào trái phiếu chính phủ là phần nhiều. Điều này vừa có lợi cho chính phủ vừa đảm bảo an toàn cho bảo hiểm xã hội.
Về quỹ ngân sách gửi ngân hàng, Phó Thủ tướng nêu rõ, "đây chỉ là khoản gửi tạm thời", bởi đã có dự chi rồi nhưng chưa giải ngân được, chưa chi tiêu được. Chẳng hạn như chương trình mục tiêu quốc gia chưa chi tiêu được thì tạm thời gửi vào ngân hàng, khi nào có khối lượng, có thủ tục thì sẽ rút ra để thanh toán.
Về vấn đề thu ngân sách, Phó Thủ tướng cho biết: "4 năm qua chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời tăng chi ngân sách để thúc đẩy phát triển kinh tế".
Phó Thủ tướng cho biết thêm, 4 năm qua đã vượt thu ngân sách gần 1 triệu tỷ đồng để đầu tư làm đường giao thông, sân bay, bến cảng, chi an sinh xã hội, đầu tư kết cấu hạ tầng.
Để có kết quả này, ngành thuế và ngành hải quan đã có sự đổi mới, thay đổi toàn diện phương thức thu, chuyển từ thu thủ công sang thu điện tử (phát hành hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu tính tiền, yêu cầu xuất hóa đơn qua từng lần tính tiền, thu từ hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong nước, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới,...).
Đồng thời với việc tăng thu, Quốc hội và Chính phủ cũng đã thực hiện giảm thuế gần 800 nghìn tỷ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Đây là những giải pháp điều hành tài khóa hiệu quả.
Về sàn thương mại điện tử, hiện nay Bộ Tài chính đã triển khai thu thuế của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đối với 102 nhà cung cấp của nước ngoài. Đồng thời cũng triển khai thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử trong nước. Sắp tới Bộ Tài chính sẽ ra mắt 1 công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm soát doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết thúc Phiên thảo luận
Quản lý điều hành ngân sách có nhiều kết quả tích cực
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận có 11 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham gia phát biểu giải trình nhiều vấn đề được cử tri và các đại biểu Quốc hội quan tâm. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.
Các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, tổng hợp ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường cho thấy, các đại biểu thống nhất năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp; trong nước cũng gặp khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến thu, chi ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước có nhiều kết quả tích cực.
Thu ngân sách ước vượt 10,1% dự toán, cơ bản đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, tăng mức lương cơ sở, bội chi nợ công trong ngưỡng Quốc hội cho phép.
Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các giải pháp để khắc phục các tồn tại và tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2024.
Năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ kết quả thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm 2025 đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 -2025, do đó các đại biểu đề nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước; cơ cấu lại ngân sách theo hướng bền vững; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí;
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước; cải thiện công tác lập kế hoạch dự toán, nhất là dự toán thu; kịp thời phân bổ giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công.
Đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí, tiêu cực.
Các đại biểu lưu ý cần tăng cường vai trò chủ đạo của Ngân sách trung ương; có giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi nợ công trong điều kiện phải tăng quy mô nợ để thực hiện các dự án công trình trọng điểm.
Tập trung các giải pháp quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách nhà nước và chú ý các khoản thu từ đất và thương mại điện tử.
Điều hành chi ngân sách theo hướng đảm bảo dự toán chặt chẽ, hiệu quả; đặc biệt lưu ý công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thu chi ngân sách.
Các đại biểu đề nghị cần kịp thời phân bổ, giao vốn đầu tư công năm 2025 quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công.
Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư có trọng điểm, trọng tâm, không dàn trải; đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nâng cao hiệu quả và tăng cường giám sát hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách theo các nghị quyết của Quốc hội.
Thống nhất với các nội dung Chính phủ đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nhưng các đại biểu cũng đề nghị cần tính toán dự kiến sát hơn tình hình thực hiện để hạn chế phải điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước; đồng thời đề nghị quản lý sử dụng có hiệu quả đúng quy định dự toán được điều chỉnh bổ sung…
Các đại biểu cũng tham gia ý kiến về các đề xuất kiến nghị của Chính phủ đối với dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; tham gia ý kiến về dự toán thu về số kinh phí chưa phân bổ dự toán; bố trí dự toán cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ…
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội để đưa vào các nội dung quan trọng, cần thiết vào các nghị quyết của Quốc hội gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Sửa Luật Sĩ quan tạo tiền đề vững chắc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 5/11, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Theo đánh giá của các đại biểu, từ năm 2014 khi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân năm 1999 được sửa đổi đến nay, có nhiều luật liên quan được ban hành.
Do đó, việc trình Chính phủ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 này theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh.
Sửa đổi Luật Sĩ quan còn tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội “là ngành lao động đặc biệt”.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung một số chính sách trong luật, theo các đại biểu, còn nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quân đội.
Trước đó, ngày 4/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 04 nội dung sau:
(i) Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
(ii) Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
(iii) Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(iv) Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Tại phiên thảo luận đã có 59 đại biểu phát biểu và 06 đại biểu tranh luận. Các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung sau: Công tác đối ngoại năm 2024; vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền;
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; giải ngân vốn đầu tư công; điều kiện kinh doanh và doanh nghiệp khởi nghiệp; phát triển kinh tế biển bền vững; an ninh, an toàn, hạ tầng giao thông; công tác phòng, chống thiên tai, phục hồi kinh tế sau bão số 3 Yagi; hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp;
Giáo dục - đào tạo, tự chủ đại học, chính sách học phí cho học sinh, sinh viên, phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; lao động, việc làm, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; vấn đề trẻ em tự kỷ;
Sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai phát triển kinh tế - xã hội; vấn đề môi trường, định hướng tăng trưởng xanh; quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản;
Vấn đề nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khó khăn trong phát triển ngành điều; thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích; việc đổi mới hoạt động lập pháp...
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị, như: đề nghị Chính phủ tập trung phân tích làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển;
Tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản để chủ động, kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế;
Tiếp tục rà soát, phân loại và tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm gắn liền với kiểm soát quyền lực;
Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới;
Có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giảm thuế VAT, tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế; nới lỏng chính sách tài khóa, mức thu nhập chịu thuế;
Có các giải pháp mạnh mẽ ứng phó biến đổi khí hậu; có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ;
Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ dự án phát triển kinh tế, xã hội có chuyển đổi rừng, có kế hoạch trồng rừng hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng;
Có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản; nghiên cứu, chỉ đạo rà soát, xây dựng một chương trình tổng thể về công tác cảnh báo, phòng, chống thiên tai, bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn;
Tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách với các đối tượng thụ hưởng; nghiên cứu chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp, đầu tư đê biển, phát triển thủy lợi đảm bảo sản xuất;
Tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có cơ chế chính sách đặc thù và giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư về kinh tế, xã hội cho các tỉnh miền núi; quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam;
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội;
Giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay; nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực để đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;
Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí;
Tăng cường hỗ trợ tín dụng, thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên;
Xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; có các giải pháp để thực hiện chuyển đổi xanh; tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên;
Nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động;…
Các đại biểu cơ bản đồng tình với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021, 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Nguồn Chính Phủ : https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/quoc-hoi-thao-luan-nsnn-sua-doi-bo-sung-luat-si-quan-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-11924110506452358.htm