Dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Tổ thảo luận 11, đại biểu thuộc các Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Long An, Sơn La và Vĩnh Long đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến vào các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ 11.
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi quy định về thời điểm có hiệu lực đối với văn bản do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo hướng quy định thời gian có hiệu lực cụ thể, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn triển khai ở địa phương.
Đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh.
Phản ánh thực trạng nhiều nghị định của Chính phủ đã quy định cụ thể các nội dung, nhưng vẫn yêu cầu địa phương phải cụ thể hóa lại, gây khó khăn và chậm trễ trong việc ban hành và triển khai chính sách, đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định để địa phương được áp dụng ngay các quy định đã rõ ràng của cấp trên mà không cần ban hành thêm văn bản chi tiết, nếu không có sự khác biệt về chính sách hay mức chi riêng. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung thêm một khoản quy định rõ, đối với các văn bản quy phạm của cấp trên đã có hiệu lực mà văn bản của địa phương không cần thiết phải cụ thể hóa, thì địa phương có thể vận dụng, áp dụng ngay các quy định của văn bản cấp trên, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chính sách.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới.
Cùng thảo luận góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới phản ánh, trong thực tế, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thường bị chậm trễ, dẫn đến tình trạng "khoảng trống pháp lý". Do đó, đại biểu đề nghị không thay đổi quy định về hiệu lực của văn bản quy định chi tiết như đề xuất trong Dự thảo, bởi việc quy định "văn bản quy định chi tiết hết hiệu lực, trừ trường hợp được công bố tiếp tục có hiệu lực" sẽ rất khó khăn trong thực hiện, nhất là khi văn bản hướng dẫn vẫn thường bị chậm ban hành.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng về việc giao thẩm quyền xử phạt cho các trường hợp như thanh tra viên, trưởng đoàn thanh tra và trưởng đoàn kiểm tra vì không phải thanh tra viên hay trưởng đoàn kiểm tra nào cũng có đủ thẩm quyền ký văn bản xử phạt hoặc đóng dấu.
Đại biểu Huế cho rằng, nội dung quyết định xử phạt và biên bản vi phạm chưa có sự thống nhất, đề nghị xem xét hoặc giữ nguyên quy định về nội dung của quyết định xử phạt hoặc bỏ cả hai, đưa vào nghị định hướng dẫn để đảm bảo tính thống nhất.
Băn khoăn với quy định niêm yết công khai quyết định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức tại nơi cư trú được hiểu là tại nhà riêng, tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, nhà văn hóa, hay nơi sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, tại các vùng miền núi, nếu quyết định được niêm yết tại trụ sở xã hay nhà văn hóa thôn thì người dân ở những bản vùng cao rất khó tiếp cận được. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng quy định này để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, tránh tình trạng hiểu sai, gây khó khăn khi thi hành pháp luật./.
Ái Vân