Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 07 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách

Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 07 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách
5 giờ trướcBài gốc
Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành. Theo chương trình, đây cũng là dự án Luật được trình và thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm tại phiên họp.
Việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, kế toán, kiểm toán độc lập, ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công, quản lý thuế và dự trữ quốc gia, qua đó tạo hành lang pháp lý đầy đủ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi xóa, xóa bỏ cơ chế xin - cho; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công tư, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác…
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và trong việc thi hành pháp luật thời gian qua. Bên cạnh đó, đại biểu cũng tham gia ý kiến về phạm vi sửa đổi luật; về việc thông qua dự án luật tại Kỳ họp này; sự cần thiết, cấp bách phải sửa đổi một số điều khoản trong dự thảo luật, tính thống nhất của các điều khoản sửa đổi so với các luật khác để đảm bảo tính khả thi của các quy định, không gây ra xung đột pháp lý, không phát sinh vướng mắc, bất cập mới gây khó khăn, bất lợi cho người dân, doanh nghiệp và gây lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước.
Phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật và trình Quốc hội để ban hành.
Về Luật Ngân sách nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Luật Ngân sách nhà nước được sửa đổi, bổ sung để giải quyết những điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc trong thời hạn ngắn, còn trong nhiệm kỳ tới sẽ sửa Luật Ngân sách nhà nước theo hướng tăng cường phân cấp quản lý ngân sách để tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công đã được các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm đảm bảo sự thống nhất và tính khả thi trong thực tiễn.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) đặt mục tiêu tăng cường tính khoa học và hiệu quả trong quản lý đầu tư công, đồng thời bảo đảm cân đối tài khóa. Việc quy định chặt chẽ kế hoạch đầu tư công trung hạn và tạo cơ chế linh hoạt cho việc bố trí vốn bổ sung sẽ giúp tránh tình trạng lãng phí, thất thoát vốn và đảm bảo các dự án đầu tư được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng./.
Triệu Tuyên
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-sua-doi-bo-sung-07-luat-lien-quan-den-linh-vuc-tai-chinh-ngan-sach-post67249.html