Các đại biểu tham dự phiên họp chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, ngày 12-5, Quốc hội khóa XV nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Theo quy định hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian hoạt động; đối với các hoạt động báo chí khác áp dụng mức thuế suất phổ thông là 20%.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang phải thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước và là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ hoàn toàn, nguồn thu của báo chí chủ yếu dựa vào quảng cáo nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ, nhất là truyền thông xã hội, dẫn đến nguồn thu từ quảng cáo của báo chí có xu hướng sụt giảm.
Để thể hiện sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với hoạt động của các cơ quan báo chí, trên cơ sở nhất trí với đề xuất của cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng áp dụng thống nhất mức thuế suất ưu đãi 10% đối với tất cả các loại hình báo chí, tương tự như chính sách ưu đãi đang áp dụng cho báo in.
Trước đó, khi thảo luận ở hội trường, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị ngoài các các chính sách ưu đãi thuế cho cơ quan báo chí, cần có thêm các chính sách ưu đãi trực tiếp; cần có quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo với báo chí, hỗ trợ cơ quan báo chí đào tạo nhân lực công nghệ số.
Đại biểu Thạch Phước Bình đánh giá việc đưa báo chí gồm quảng cáo trên báo vào đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là bước tiến quan trọng, có tính hỗ trợ chiến lược với ngành báo chí Việt Nam; nhất là báo chí trong bối cảnh đổi mới chuyển đổi số, cũng như đối mặt với thách thức thị trường.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình, ngành báo chí đang phải đối diện với doanh thu suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là từ quảng cáo khi chịu cạnh tranh mạnh từ các nền tảng số như Google, Facebook.... Vì vậy, nguồn lực tài chính từ việc giảm thuế và hỗ trợ có thể được các cơ quan báo chí tái đầu tư cho hạ tầng công nghệ, nâng cấp hệ thống, số hóa nội dung, nâng cao chất lượng nhân sự, tăng khả năng cạnh tranh.
Nguyên Tân