Quốc hội thông qua 2 nghị quyết về việc sửa Hiến pháp

Quốc hội thông qua 2 nghị quyết về việc sửa Hiến pháp
5 giờ trướcBài gốc
Chiều 5-5, với đa số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua hai nghị quyết liên quan đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Cụ thể là Nghị quyết của QH về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết của QH về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (gọi tắt là ủy ban).
Cùng một lúc phải chuẩn bị rất nhiều việc
Phát biểu tại phiên họp tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh một trong những nội dung rất quan trọng của kỳ họp thứ 9 là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ông cũng thông tin ngày 14-5, QH sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về nội dung này.
Tổng Bí thư lưu ý phải đảm bảo đúng quy trình theo quy định, vì việc này liên quan đến lấy ý kiến của nhân dân. Tuy chỉ sửa đổi, bổ sung 8/120 điều trong Hiến pháp nhưng các cơ quan soạn thảo, QH, Chính phủ đã chuẩn bị hết sức chu đáo.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào sáng 5-5. Ảnh: QH
Theo Tổng Bí thư, Đại hội Đảng tới đây sẽ quyết định xem xét bổ sung cương lĩnh, những định hướng phát triển đất nước để có tầm nhìn dài hơn, nhất là sau khi tổng kết 40 năm đổi mới. “Nếu có thể sẽ sửa đổi Hiến pháp một cách căn bản nhưng có lẽ phải sau Đại hội XIV mới tính đến” - Tổng Bí thư nêu rõ.
“Cùng một lúc chúng ta phải tập trung chuẩn bị đại hội các cấp, sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, muốn đại hội được thì cũng phải có bộ máy, kể cả bộ máy hành chính và bộ máy tổ chức của Đảng. Đồng thời vẫn phải đảm bảo được tất cả công việc thường xuyên, đảm bảo yêu cầu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội” - Tổng Bí thư nói.
Cho biết Chính phủ sẽ có phiên họp về đánh giá bốn tháng đầu năm, tuy nhiên, Tổng Bí thư nhận định “có những chỉ tiêu rất mừng”. Dẫn chứng, ông nói tiêu chí thu ngân sách, phát triển sản xuất, kinh doanh tương đối tốt. Trong bốn tháng thu được khoảng 48% kế hoạch của cả năm, riêng Hà Nội thu rất cao, đạt hơn 50%.
Sửa Hiến pháp lần này chỉ tập trung phục vụ việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, không mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Tổng Bí thư đánh giá đây là sự nỗ lực phấn đấu rất lớn, trong khi chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Ông khẳng định đất nước muốn phát triển phải tập trung giải quyết yêu cầu đặt ra để có nguồn lực cho đầu tư phát triển, bên cạnh những yêu cầu phát triển về văn hóa, giáo dục, y tế, tiếp tục cải thiện đời sống của nhân dân...
Tổng Bí thư lưu ý đất nước phát triển thì người dân phải được thụ hưởng thành quả, trong đó việc tạo tiền đề cho sự phát triển của giai đoạn sau rất quan trọng.
“Nếu năm nay không bắt tay vào những việc đó thì sẽ không thể hoàn thành được các chỉ tiêu của nhiệm kỳ Đại hội XIII đề ra. Hoàn thành được chỉ tiêu nhiệm kỳ Đại hội XIII là tiền đề rất tốt để chúng ta đặt ra kế hoạch cho Đại hội XIV” - Tổng Bí thư nêu rõ.
Chỉ tập trung sửa vấn đề liên quan đến bộ máy
Tổng thư ký QH Lê Quang Tùng cho hay QH quyết định xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 để thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, tập trung vào các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương.
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cũng khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là công việc rất hệ trọng, cần tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả.
“Sửa Hiến pháp lần này chỉ tập trung phục vụ việc tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, không mở rộng sang các lĩnh vực khác” - ông nhấn mạnh và nói từ ngày 6-5, QH sẽ lấy ý kiến của nhân dân và thời gian là một tháng.
Liên quan tới sáp nhập cấp tỉnh, ông Trần Thanh Mẫn cho biết dự kiến sau khi Chính phủ trình đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, QH sẽ thảo luận cho ý kiến. Nếu được QH chấp thuận nhấn nút thông qua thì sẽ sáp nhập từ 63 xuống còn 34 tỉnh, TP.
Bên cạnh đó, quy định chuyển tiếp cũng được Bộ Chính trị cho ý kiến, với thời gian khoảng 1,5 tháng để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
“Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 08/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị QH xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là nghị quyết của QH” - Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nói thêm.
Loại bỏ những cồng kềnh, giảm tầng nấc trung gian
Trong phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu QH Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ sửa đổi Hiến pháp lần này là bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộng, đặt nền móng pháp lý nhằm tiếp tục đổi mới bộ máy Nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Ông Hùng cũng đánh giá cao việc sửa đổi lần này với các nội dung trọng yếu - “đúng, trúng” các nút thắt thể chế. Cụ thể là tái định hình mô hình tổ chức chính quyền địa phương, loại bỏ sự cồng kềnh giao thoa ba cấp, giảm tầng lớp trung gian… để thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền hành động nhanh, linh hoạt, tập trung, trách nhiệm.
Theo đại biểu Hùng, việc sửa đổi Hiến pháp còn giúp củng cố vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mà đây phải là chủ thể có quyền năng giám sát thực chất và phản biện chính sách - điều đã được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013.
Sửa đổi Hiến pháp tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã - vấn đề chưa có tiền lệ nhưng đang là vấn đề cấp bách cần được quy định ngay.
Để Hiến pháp thực sự là bản khế ước giữa nhân dân và Nhà nước, vì sự phát triển ổn định của đất nước, đáp ứng kỳ vọng lớn lao của nhân dân, đại biểu Hùng đề nghị cần chủ động xây dựng lộ trình tham vấn xã hội rộng rãi, khoa học để dân biết, dân bàn, dân góp ý và đồng thuận cao.
Kế đó là xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật lập hiến theo hướng ngôn ngữ rõ ràng, nhất quán, tránh sau này phải giải thích. Hiến định mô hình chính quyền địa phương hai cấp phải phù hợp với thực tiễn đổi mới của đất nước để xây dựng nền hành chính hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Tái định hình tư duy quản trị quốc gia đáp ứng nhu cầu của quốc gia trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh (đoàn Lào Cai) cũng cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp lần này cần làm rõ hơn vai trò của MTTQ trong phản biện xã hội và giám sát quyền lực. Đồng thời, bảo đảm điều kiện pháp lý để bộ máy tinh gọn nhưng không làm suy giảm tính đại diện, liên kết và giám sát cơ sở.
Đại biểu Lan Anh bày tỏ đồng tình với việc thể chế hóa mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Tuy nhiên, bà đề nghị các quy định chuyển tiếp phải rõ ràng, có lộ trình cụ thể nhằm đảm bảo quá trình sắp xếp, sáp nhập không làm gián đoạn các hoạt động quản lý nhà nước.
Do thời gian lấy ý kiến ngắn, nữ đại biểu đoàn Lào Cai cho rằng cần có sự chỉ đạo quyết liệt, ban hành hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, đảm bảo việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình được thực hiện công khai, minh bạch, thể hiện rõ tinh thần cầu thị và sự tôn trọng đối với tiếng nói của nhân dân…
15 thành viên Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn làm chủ tịch ủy ban.
Các phó chủ tịch ủy ban gồm: Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Khắc Định, Phó Thủ tướng Lê Thành Long.
Các ủy viên thường trực gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà.
Tám ủy viên gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu QH Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát QH Dương Thanh Bình, Tổng thư ký QH Lê Quang Tùng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Cao Huy.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/quoc-hoi-thong-qua-2-nghi-quyet-ve-viec-sua-hien-phap-post848068.html