Sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thực hiện quy trình để thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 430/454 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 89,77%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết trên.
Các ĐBQH biểu quyết để thông qua Nghị quyết.
Trước khi các ĐBQH biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp toàn thể về Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Tại phiên thảo luận, các ĐBQH thống nhất cao về chủ trương đầu tư, những nội dung cơ bản của Chương trình và dự thảo Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư.
Về kinh phí thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, UBTVQH tiếp thu ý kiến của đại biểu và thể hiện tại điểm d khoản 4 Điều 1 dự thảo Nghị quyết. UBTVQH đề nghị trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định tỷ lệ đối ứng phù hợp.
Ông Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo.
Các ý kiến thống nhất với cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện Chương trình, tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, UBTVQH tiếp thu và đề nghị Chính phủ trong quá trình xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình, cần tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả…
Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, UBTVQH cho rằng, việc đầu tư là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện Chiến lược văn hóa đối ngoại và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Vì vậy, UBTVQH xin phép Quốc hội đưa nội dung này là một trong những cơ chế đặc thù trong thực hiện Chương trình. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tiếp thu ý kiến đại biểu, lựa chọn xây dựng trung tâm theo thứ tự ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức, vận hành phù hợp với từng địa bàn, có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và tránh lãng phí.
Đối với các ý kiến đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu, nội dung nhiệm vụ cụ thể cho đối tượng đặc thù là người lao động, công nhân, người dân tộc thiểu số di cư đang làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất…, ông Nguyễn Đắc Vinh thông tin, UBTVQH tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, lưu ý các đối tượng đặc thù nêu trên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nội dung thành phần trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, bảo đảm tránh trùng lặp với các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai và đáp ứng nhu cầu bảo tồn văn hóa, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số…
Về các ý kiến còn băn khoăn, đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các nội dung thành phần của Chương trình; đề xuất một số giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung thành phần, UBTVQH tiếp thu, đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến của ĐBQH trong quá trình xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, chịu trách nhiệm về việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình theo các nguyên tắc, nội dung được Quốc hội thông qua.
Theo Nghị quyết, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2025-2030 tối thiểu là 122.250 tỷ đồng, trong đó: trong đó: Vốn NSTƯ: 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%). Vốn NSĐP: 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,6%); Nguồn vốn khác: dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,4%).
Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục cân đối NSTƯ để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phù hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện. Căn cứ kết quả thực hiện của Chương trình giai đoạn 2025-2030, Chính phủ trình Quốc hội quyết định nguồn lực thực hiện Chương trình giai đoạn 2031-2035.
Lê Bảo