Có 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội.
Sáng 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 446/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội chính thức thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.
Trước khi biểu quyết, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Ông Lê Quang Huy cho biết, về phân nhóm khoáng sản (Điều 6), có ý kiến đề nghị quy định danh mục những khoáng sản chiến lược, quan trọng và đặc biệt quan trọng; việc quyết định về thăm dò, khai thác, thu hồi các khoáng sản này giao Thủ tướng quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại khoản 15 Điều 2 dự thảo Luật đã có quy định khái niệm “Khoáng sản chiến lược, quan trọng”.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý các quy định liên quan đối với loại khoáng sản này trong quy định về chính sách của Nhà nước (khoản 3 Điều 3), thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng (Điều 41, Điều 44, Điều 47), khai thác khoáng sản chiến lược, quan trọng (Điều 65); không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với một số khu vực khoáng sản chiến lược, quan trọng (khoản 2 Điều 100).
Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng phê duyệt danh mục khoáng sản chiến lược, quan trọng (điểm b khoản 2 Điều 107).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.
Về giấy phép khai thác khoáng sản (Điều 56), có ý kiến đề nghị điều chỉnh quy định thời gian cấp phép là không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, khoáng sản là tài sản công. Việc thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có cách tiếp cận khác so với dự án đầu tư thông thường khác.
Việc quy định thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, nhưng cần tính toán giảm thiểu các tác động không tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, giấy phép khai thác khoáng sản đều có thời hạn tối đa là 30 năm và được gia hạn một số năm. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện thực tế là vòng đời của công nghệ khai thác khoáng sản sau 30 năm thường đã lạc hậu và cũng cần đầu tư đổi mới.
Điểm a khoản 4 Điều 56 dự thảo Luật đã quy định giấy phép khai thác khoáng sản có thời hạn không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần.
Song, tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm, tổng cộng là 50 năm, bằng với thời gian thực hiện dự án đầu tư thông thường theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Thực tế, có nhiều dự án sau 10 năm đã hoàn thành việc khai thác, kết thúc dự án.
Dự thảo Luật quy định việc cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời gian khai thác khoáng sản (kể cả thời gian gia hạn) nhưng còn trữ lượng.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép được giữ quy định về thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản như tại điểm a khoản 4 Điều 56. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo để bảo đảm thuận lợi, dễ dàng về thủ tục gia hạn giấy phép.
Vân Huyền