Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 449/449 đại biểu biểu quyết tán thành.
Như vậy, với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng không nhân dân.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng không nhân dân.
Ông Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật đã điều chỉnh cách giải thích về “phương tiện bay khác” và “thế trận phòng không nhân dân” để đảm bảo thống nhất với các luật hiện hành.
Về trọng điểm phòng không nhân dân, dự thảo quy định rõ trách nhiệm Bộ Quốc phòng xác định các khu vực trọng điểm, tránh ảnh hưởng đến bí mật quân sự.
Dự thảo Luật quy định chi tiết về nhập khẩu, xuất khẩu, quản lý máy bay không người lái và phương tiện bay khác để đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc xây dựng công trình phòng không nhân dân, dự thảo Luật nêu rõ, UBND các cấp (tỉnh, huyện, xã) được giao trách nhiệm chủ động tham gia vào xây dựng và tổ chức thực hiện các công trình có mục tiêu bảo vệ an ninh không phận và đảm bảo an toàn trong trường hợp có tình huống khẩn cấp liên quan đến không gian quốc phòng.
UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quốc phòng và an ninh trong việc quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng các công trình phòng không nhân dân, đảm bảo tính hiệu quả và không trùng lặp với các công trình hiện có.
Các công trình phòng không nhân dân cần được lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế từng khu vực.
UBND các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để giám sát việc thực hiện các dự án phòng không nhân dân, gồm cả việc đầu tư và vận hành các công trình này.
Vân Huyền