Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng ngày 19/2/2025, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Kết quả, với 459/460 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 96,23% tổng số Đại biểu Quốc hội); trong đó có 459/460 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 99,78% tổng số Đại biểu tham gia biểu quyết), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Ảnh: Quốc hội)
Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 5 điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc biệt để đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và các dự án thành phần và một số cơ chế, chính sách đặc biệt áp dụng cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án.
Nghị quyết cho phép Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như: Triển khai đồng thời việc đàm phán với đối tác đã ký kết điều ước quốc tế hoặc với các đối tác khác để ký kết điều ước quốc tế về hợp tác xây dựng, cấp tín dụng cho thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, song song với quá trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư.
Nghị quyết cũng quy định thống nhất hình thức lựa chọn nhà thầu cho phép áp dụng là chỉ định thầu rút gọn theo quy định của pháp luật về đấu thầu như: Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong điều ước quốc tế. Phạm vi công việc của hợp đồng chìa khóa trao tay bao gồm các công việc theo quy định pháp luật xây dựng và các công việc lập hồ sơ phê duyệt địa điểm, mua bảo hiểm cho toàn bộ phạm vi thực hiện của hợp đồng (được phép mua bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không có chi nhánh được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam), cung cấp nhiên liệu hạt nhân, vận hành, bảo dưỡng nhà máy trong thời gian 05 (năm) năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bao gồm: lập, thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; tư vấn trợ giúp chủ đầu tư đàm phán, ký kết, quản lý thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay; thẩm tra hồ sơ phê duyệt địa điểm, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, các báo cáo chuyên ngành theo quy định pháp luật; tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công. Áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn để thẩm định công nghệ, an toàn, an ninh, kiểm tra pháp quy hạt nhân trong các giai đoạn đầu tư xây dựng các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trên cơ sở sử dụng hiệu quả các chuyên gia và tổ chức trong nước và quốc tế.
Nghị quyết chỉ quy định chỉ định thầu cho các gói thầu, công việc có tính đặc thù liên quan đến công nghệ, an toàn hạt nhân, gắn liền và phục vụ trực tiếp cho công tác triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chính.
Đối với việc thực hiện triển khai các dự án thành phần và các công việc khác thuộc dự án nhà máy chính mà các đơn vị trong nước có đủ năng lực kinh nghiệm thực hiện, chủ đầu tư và các cơ quan liên quan sẽ phải tuân thủ các hình thức, quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu theo pháp luật đấu thầu hiện hành.
Với 459/460 đại biểu tham gia biểu quyết (chiếm 96,23% tổng số Đại biểu Quốc hội); trong đó có 459/460 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 99,78% tổng số Đại biểu tham gia biểu quyết), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. (Ảnh: NM)
Về phương án tài chính và thu xếp vốn, Nghị quyết quy định: “Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản đã hết khấu hao của các nhà máy điện BOT đã nhận bàn giao và các nhà máy thủy điện đa mục tiêu để thực hiện Dự án với mức vốn bổ sung tương đương với mức vốn của dự án quan trọng quốc gia”.
Đồng thời, công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường cần tuân thủ đúng và đầy đủ pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường.
Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư các dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm các dự án đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; đồng thời khẩn trương triển khai dự án. Quản lý, sử dụng vốn, các nguồn lực và các hoạt động khác có liên quan bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn phóng xạ, môi trường theo quy định của Nghị quyết này và các quy định khác của pháp luật; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ chương đầu tư dự án;
Bên cạnh đó, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đàm phán điều ước quốc tế với các đối tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên...
Trước đó, ngày 18/2/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có 44 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ, 05 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại hội trường và 02 lượt góp ý bằng văn bản gửi qua Tổ Thư ký. Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư, xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Ngay sau các phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Công Thương), UBND tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết tại Phiên họp thứ 42 (ngày 10/02/2025); xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết; gửi xin ý kiến Chính phủ dự thảo Nghị quyết sau khi được tiếp thu, chỉnh lý. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, UBTVQH chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý, hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết đã được rà soát, lược bỏ các nội dung không phù hợp, chỉ quy định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Dự thảo Nghị quyết sau khi tiếp thu, chỉnh lý, giải trình đầy đủ theo ý kiến của Chính phủ, các cơ quan liên quan đã nhận được sự đồng thuận, đáp ứng yêu cầu chất lượng, đủ điều kiện trình xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Việt Hằng