SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THÀNH CÔNG, TẠO ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN CHO BẮC GIANG
Chiều 17/12, tại Quảng trường 3/2 thành phố Bắc Giang,Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025.
Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1191 về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025. Theo đó, tỉnh sắp xếp lại 4 đơn vị hành chính cấp huyện (nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang; sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động); sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 17 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập 13 phường thuộc thành phố Bắc Giang, 5 phường thuộc thị xã Chũ; thành lập thị trấn Phì Điền, Biển Động thuộc huyện Lục Ngạn.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng, những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng như trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang đã đạt được trong thời gian vừa qua. Với khối lượng công việc rất lớn, chỉ đứng sau tỉnh Thừa Thiên - Huế về quy mô nhưng cả hệ thống chính trị của tỉnh Bắc Giang đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Bắc Giang tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh gắn chặt với triển khai thực hiện Kế hoạch số 04 của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12. Đảm bảo tốt công tác nhân sự đại hội đảng các cấp của Tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 và chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 thành công tốt đẹp.
Trao nghị quyết cho đại diện 3 đơn vị cấp huyện mới, và trao quà tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, với khát vọng ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự đoàn kết, thống nhất cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Bắc Giang sẽ thực hiện thành công việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tận dụng, phát huy tiềm năng, lợi thế để có sự phát triển vượt bậc, đột phá về kinh tế - xã hội; sớm hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
THỰC HIỆN MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ ĐỂ HẢI PHÒNG CẤT CÁNH TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
Chiều 18/12, tại thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị công bố Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025.
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội đã trao Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và quà lưu niệm cho thành phố Hải Phòng. Trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025 cho các đồng chí bí thư Quận ủy, Huyện ủy: Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Kiến An, Hải An, An Dương, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy và Thủy Nguyên.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành phố Hải Phòng tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo đúng tinh thần của Nghị quyết; đảm bảo tính ổn định, thống nhất, không gây gián đoạn trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp sau khi sắp xếp.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quan trọng nhất là sắp xếp lại đơn vị hành chính phải giúp kinh tế - xã hội của địa phương phát triển hơn, doanh nghiệp được phục vụ thuận lợi hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tốt hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, trao truyền và phát huy hiệu quả hơn.
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tăng cường giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là chú ý bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy việc, chạy chức, chạy quyền.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của thành phố cần quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả chỉ đạo, mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khi về làm việc với thành phố Hải Phòng ngày 14/11 vừa qua là: Hải Phòng cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò và vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống.
THỰC HIỆN CÁC CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ HẢI PHÒNG PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ
Chiều 18/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về sơ kết Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả toàn diện mà Hải Phòng đạt được trong thực hiện NQ35; cho thấy sự đúng đắn về quyết sách của Trung ương, của Quốc hội và nỗ lực của Thành phố.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, bên cạnh chú trọng phát triển kinh tế, thành phố cần tiếp tục quan tâm phát triển mạnh mẽ giáo dục, đào tạo; y tế; an sinh xã hội; khoa học công nghệ; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số; giải quyết việc làm; quyết liệt phòng chống tội phạm nhất là tội phạm về ma túy.
Cơ bản ủng hộ Thành phố nghiên cứu, một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội sửa đổi nghị quyết 35, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thành phố tiếp tục tham khảo kinh nghiệm các địa phương trên cả nước trong đó có Đà Nẵng, Hồ Chí Minh. Cùng với đó, rà soát kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây, phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư khẩn trương hoàn thiện hồ sơ về một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá; sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Đề nghị các Ủy ban, cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tích cực phối hợp với Thành phố Hải Phòng trong quá trình này để bảo đảm các chính sách phù hợp với định hướng phát triển, tiềm năng, lợi thế cũng như khả năng thực hiện của thành phố Hải Phòng.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự Lễ Khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận. Đây là một trong những dự án trọng điểm của thành phố năm trong 2024.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI GẶP MẶT TRƯỞNG CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI
Gặp mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, vào sáng 18/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng vị trí, vai trò của công tác đối ngoại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày nay. Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, trước những thay đổi có tính thời đại hiện nay, đối ngoại, ngoại giao lại càng đóng vai trò “trọng yếu, thường xuyên”, nhất là trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; tạo thuận lợi cao nhất cho xây dựng và phát triển đất nước và củng cố hơn nữa “thế và lực” của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội chúc mừng 20 đồng chí Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện đã được giao nhiệm vụ đại diện cho Việt Nam tại 48 quốc gia và 1 tổ chức quốc tế. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó; như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là “đem chuông đi đấu nước người”.
Nhấn mạnh, năm 2025 diễn ra nhiều sự kiện lớn, quan trọng của đất nước, là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị với vai trò, vị trí hết sức quan trọng, các Đại sứ, các Tổng lãnh sự đẩy mạnh công tác nắm bắt thông tin, nhất là thông tin địa bàn, tham mưu cho Đảng, Chính phủ và Quốc hội triển khai hiệu quả công tác đối ngoại. Cùng với đó nắm chắc, cập nhật thông tin về xây dựng chính sách pháp luật để phổ biến cho cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về tình hình trong nước. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng phải lưu tâm.
Về công tác ngoại giao Nghị viện, là một bộ phận trong tổng thể hệ thống đối ngoại, Chủ tịch Quốc hội mong các Đại sứ, Tổng lãnh sự và cán bộ ngoại giao tham gia triển khai kênh đối ngoại Quốc hội đồng bộ với tất cả các kênh khác, phát huy lợi thế riêng của kênh ngoại giao nghị viện. kết nối người dân với người dân và địa phương với địa phương, doanh nghiệp với doanh nghiệp, lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của Việt Nam đến với khu vực và quốc tế.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI DỰ HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN
Chiều 19/12, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Hội nghị triển khai công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2025.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng, kết quả đạt được và những đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong năm 2024 vừa qua. Cơ bản thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ của ngành, Chủ tịch Quốc hội đề nghị toàn Ngành Kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa; tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra. Trong đó, tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tư pháp. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực cho Ngành, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tội phạm về kinh tế, chức vụ.
Cùng với đó thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; hoàn thành việc xây dựng dự án Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để trình Quốc hội tại kỳ họp (tháng 5/2025).
Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!
Mỹ Ngọc
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/quoc-hoi-trong-tuan-chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-du-hoi-nghi-trien-khai-cong-tac-nganh-kiem-sat-nhan-dan-nam-2025-247912.htm