Theo báo cáo của Sở GTVT Hải Dương, Quốc lộ 5 (QL5) là tuyến giao thông đường bộ huyết mạch khu vực phía Bắc, là một trong những con đường chính nối liền giữa Hà Nội và Hải Phòng.
Do mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng nhanh gấp nhiều lần so với lưu lượng thiết kế, QL5 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương.
QL5 đi qua địa bàn tỉnh Hải Dương có chiều dài 44km do Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) trực tiếp quản lý, khai thác. Những năm gần đây, do mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến tăng nhanh gấp nhiều lần so với lưu lượng thiết kế, QL5 thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương.
Sở GTVT Hải Dương cho biết, QL5 đã mãn tải (hết công suất khai thác và trở nên quá tải) từ lâu. Theo số liệu đếm xe của đơn vị quản lý, lưu lượng thực tế hiện nay khoảng trên 90.000 xe/ngày, vượt quá 6 lần lưu lượng thiết kế.
Cũng vì lượng xe quá đông, nên tốc độ khai thác trên tuyến QL5 hiện chỉ đạt 50-60km/h đối với xe con, bằng 50-60% so với tốc độ thiết kế. Tình hình tai nạn giao thông trên tuyến hết sức phức tạp, thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Chính vì vậy, mới đây, Sở GTVT Hải Dương vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT quy hoạch và đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ 5 trên cao.
Theo Sở GTVT Hải Dương, trong những năm vừa qua, các địa phương đã từng bước đầu tư một số tuyến đường gom QL5. Năm 2015, tuyến đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được thông xe đã chia sẻ một phần lưu lượng đối với QL5.
Sở GTVT Hải Dương đề nghị Bộ GTVT đầu tư xây dựng QL5 để giảm tải cho tuyến đường hiện hữu.
Tuy nhiên, với vai trò rất quan trọng của tuyến QL5 hiện nay cũng như trong tương lai thì việc sớm quy hoạch và đầu tư mở rộng hoặc làm đường trên cao là rất cấp thiết và cấp bách. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu tam giác phát triển kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giải quyết được tình trạng mãn tải và mất an toàn giao thông trên tuyến.
Theo đề xuất, kiến nghị của Sở GTVT Hải Dương, việc đầu tư theo phương án xây đường trên cao có nhiều ưu điểm hơn so với phương án mở rộng.
Cụ thể, không phải bố trí quỹ đất mới, tiết kiệm đất, sử dụng đất một cách hiệu quả, thông minh do không phải mở rộng.
Không phải giải phóng mặt bằng trên tuyến chính (đây là một trong những điểm nghẽn khi triển khai các dự án, cũng là những điểm phát sinh khiếu kiện).
Đặc biệt, không phải giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư hiện trạng hai bên tuyến đường, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương; nhất là ổn định chính trị - xã hội phát sinh do giải phóng mặt bằng, từ đó giảm đáng kể chi phí đầu tư.
Dự án khi đưa vào khai thác sẽ đảm bảo được tốc độ thiết kế, tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông; giải quyết được bất cập về hạ tầng giao thông, đặc biệt các giao cắt cùng mức hạn chế đến mức tối thiểu về tai nạn giao thông; chủ động phương án thi công, rút ngắn tiến độ triển khai dự án.
Phi Long/VOV.VN