Ngay từ khi phát sóng, bộ phim cổ trang được kỳ vọng Quốc Sắc Phương Hoa với sự góp mặt của Dương Tử và Lý Hiện đã trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng về một câu chuyện cảm động, sâu sắc về thân phận người phụ nữ thời cổ đại, phim lại vấp phải chỉ trích dữ dội vì quá lạm dụng yếu tố nhạy cảm, đặc biệt là những cảnh cưỡng hiếp bất thành lặp đi lặp lại một cách phản cảm. Chưa đầy nửa chặng đường phát sóng, Quốc Sắc Phương Hoa đã bị khán giả gắn mác là tác phẩm lấy sự hạ nhục phụ nữ làm công cụ gây sốc - một nhận định nặng nề nhưng không phải là không có lý.
Quốc Sắc Phương Hoa của Dương Tử và Lý Hiện bị ném đá gay gắt (Ảnh: Weibo).
Cụ thể, chỉ trong hơn 20 tập đầu phim Quốc Sắc Phương Hoa, cư dân mạng đã thống kê được tới 4 tình huống nữ chính bị đẩy vào hoàn cảnh cưỡng hiếp, tất cả đều kết thúc bằng việc bất thành như một phép màu đầy kịch tính nhưng vô cùng khiên cưỡng. Không dừng lại ở đó, trong phần phim Cẩm Tú Phương Hoa, mô-típ này tiếp tục xuất hiện thêm 2 lần, nâng tổng số phân cảnh có dấu hiệu bạo lực tình dục lên tới sáu lần, trong đó nữ chính chiếm tới năm lần, còn lại là một lần với nữ phụ. Con số đáng báo động này khiến khán giả không khỏi đặt câu hỏi: liệu ê-kíp đang cố gắng khắc họa bi kịch thân phận phụ nữ hay đơn giản chỉ đang tận dụng nỗi đau nữ giới để câu kéo sự chú?
Quốc Sắc Phương Hoa trần đầy tình tiết nữ chính bị hãm hiếp bất thành (Ảnh: Mango TV).
Nhìn vào chi tiết các tình huống, sự lặp lại gần như rập khuôn khiến nhiều người xem cảm thấy bức bối. Tình huống đầu tiên xảy ra khi nữ chính đề nghị hòa ly, nam phụ vì không cam lòng nên muốn ép nàng "gạo nấu thành cơm" nhưng cuối cùng thất bại. Sang đến lần thứ hai, khi nữ chính cải trang, lặng lẽ làm việc tại một tiệm thợ may, cô lại bị một người đàn ông trong tiệm giở trò đồi bại nhưng may mắn thoát nhờ được cứu kịp lúc. Đến lần thứ ba, nữ chính giả vờ thuận theo để âm mưu bỏ trốn nhưng bị phát hiện và suýt bị ép động phòng ngay tại chỗ. Lần thứ tư là một cảnh gây tranh cãi dữ dội: nữ chính lưu lạc vào quân doanh, bị một nhóm lính dòm ngó với ý đồ xấu, suýt trở thành trò vui cho cả doanh trại nhưng lại tiếp tục may mắn thoát hiểm vào phút chót. Hai tình huống còn lại diễn ra với nữ phụ bị hạ thuốc, được nam nữ chính cứu kịp thời và một lần nữa nam phụ nổi cơn thú tính định ép nữ chính nhưng không thành công.
Dễ dàng nhận ra công thức quen thuộc mà biên kịch Quốc Sắc Phương Hoa đã lạm dụng: đặt nhân vật nữ vào tình huống nguy hiểm liên quan đến tình dục, rồi đột ngột cứu vãn bằng một chi tiết trời ơi đất hỡi để tạo cảm giác căng thẳng, kịch tính. Khi thủ pháp này được lặp đi lặp lại tới sáu lần trong một bộ phim, khán giả không còn cảm giác đồng cảm mà chỉ thấy khó chịu. Không ít người cho rằng đây là biểu hiện rõ ràng của sự thiếu sáng tạo hoặc tệ hơn là coi phụ nữ như một công cụ khai thác cảm xúc rẻ tiền.
Danh tiếng của Dương Tử bị ảnh hưởng một cách nặng nề (Ảnh: Weibo).
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu gom lại toàn bộ thời lượng dành cho các tình tiết cưỡng hiếp bất thành ấy, nhà sản xuất hoàn toàn có thể phát triển những phân đoạn khắc họa chiều sâu tâm lý nhân vật. Thế nhưng, dường như ê-kíp Quốc Sắc Phương Hoa lại chọn cách dễ dãi hơn: gây sốc để kéo view. Quả thật, sau mỗi lần phát sóng những tập có cảnh nhạy cảm, lượt xem trực tuyến của phim lại tăng đáng kể. Nhưng đi kèm với đó là vô số chỉ trích, chấm điểm thấp và một làn sóng phẫn nộ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trên Douban - chuyên trang đánh giá phim có tiếng của Trung Quốc, phim đã tụt xuống mức 4.3/10, một con số đáng báo động với một tác phẩm có dàn cast nổi tiếng như Dương Tử và Lý Hiện.
Hệ lụy của cách làm phim dung tục này không chỉ nằm ở hình ảnh của tác phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các diễn viên chính. Dù Dương Tử và Lý Hiện không dính vào các cảnh nhạy cảm quá lố nhưng việc góp mặt trong một bộ phim bị gán mác phản cảm khiến tên tuổi họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khán giả tiếc nuối vì phần 2 của Quốc Sắc Phương Hoa không giữ được chất lượng như phần đầu (Ảnh: Mango TV).
Đặt Quốc Sắc Phương Hoa bên cạnh những tác phẩm cổ trang chất lượng như Tàng Hải Truyện hay Lâm Giang Tiên - nơi nữ chính vẫn chịu nhiều gian truân nhưng không hề bị biến thành nạn nhân của những tình huống phản cảm - khán giả càng nhận ra sự khác biệt. Một kịch bản tốt có thể xây dựng kịch tính mà không cần hạ thấp phẩm giá phụ nữ. Một tác phẩm chất lượng có thể lay động người xem bằng chiều sâu chứ không phải bằng những cú sốc rẻ tiền.
Thanh Bình - CTV