Tàu container nước ngoài vận chuyển hàng hóa lưu thông qua cảng Đình Vũ và cảng Tân Vũ, tiến ra Biển Đông. Ảnh: Như Quỳnh
Việt Nam hội tụ nhiều nguồn lực cho tăng trưởng
Vừa qua, chia sẻ với báo giới, ông Joo-Ok Lee, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, cũng như mục tiêu hướng tới kỷ nguyên mới.
Vị chuyên gia cấp cao của WEF nhìn nhận, thế giới đang hướng tới kỷ nguyên mới với nhiều kỳ vọng về việc chuyển từ thời đại công nghiệp sang thời đại thông minh. Vì vậy, mỗi quốc gia nói riêng và cả thế giới nói chung cần có sự chuẩn bị về ảnh hưởng quan trọng của các công nghệ mới nổi, cũng như nhu cầu đánh giá trước tình hình và tận dụng các lợi thế về mặt công nghệ cho phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tăng cường hợp tác với các cơ chế đa phương. Ông Joo-Ok Lee khẳng định, những nỗ lực này có ý nghĩa quan trọng. Trước hết, trong bối cảnh kinh tế số phát triển ngày nay, các hiệp định đa phương có thể định vị Việt Nam theo cách rất thuận lợi. Các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang thảo luận sôi nổi về việc xây dựng thị trường chung và một bộ tiêu chuẩn chung cho kinh tế số. WEF đang hỗ trợ khu vực trong quá trình này.
WEF cũng đánh giá cao quá trình hợp tác giữa Việt Nam và các cơ chế đa phương, do công nghệ mới có xu hướng ưu tiên cho các hành động tiên phong. Thực tế cho thấy, Việt Nam có những bước đi hiệu quả trong nỗ lực này.
Ông Joo-Ok Lee đánh giá: “Xét về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất đáng chú ý”.
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng gây ấn tượng mạnh, được nhiều hãng truyền thông quốc tế ca ngợi. Điển hình như Đài truyền hình SRF của Thụy Sĩ gần đây đăng tải một phóng sự về Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế của nước ta trong thời gian qua.
Đài SRF khẳng định, Việt Nam đang phát triển thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, thể hiện rõ nét ở GDP tăng trưởng mạnh mẽ 7,2% trong năm 2024. SRF cũng cho biết, với những thành tựu trên thực tế của Việt Nam, Chính phủ Thụy Sĩ đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm tới việc củng cố quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy, thị trường Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp của Thụy Sĩ.
Chia sẻ trên truyền thông, bà Anja Fiedler - đại diện của tổ chức Switzerland Global Enterprise cho biết, lâu nay, Việt Nam nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh thu hút du khách quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ mạnh ở ngành du lịch, mà còn là một địa điểm phát triển các ngành sản xuất, như ô tô điện, điện thoại thông minh...
Bà Anja Fiedler khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh hơn hầu hết các quốc gia phương Tây. Tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm trong đại dịch Covid-19 nhưng đã nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại, minh chứng là tăng trưởng GDP liên tục tăng, vượt mức 7%.
Đặc biệt, bà Anja Fiedler cũng chỉ ra rằng, mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được tạo nên từ nguồn nhân lực trẻ có trình độ học vấn cao. Song hành với đó, sự ổn định của chính trị, xã hội Việt Nam cũng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, bởi nơi đây có rủi ro rất thấp. Ngoài ra, Việt Nam cũng tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, bao gồm một số hiệp định mang tầm toàn cầu. Đây là những yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong thời gian qua.
Không gian phát triển mới của thế giới
Đài SRF dẫn lời giới chuyên gia đánh giá cao việc Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty Thụy Sĩ như một thị trường xuất khẩu hoặc địa điểm sản xuất. Dễ thấy là công ty Angst+Pfister chuyên sản xuất các thiết bị công nghiệp đã xây dựng một nhà máy tại Việt Nam vào năm ngoái, minh chứng rõ nét cho việc Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn.
Theo ông Christof Domeisen - người đứng đầu Angst+Pfister, Việt Nam có vị trí chiến lược nên việc triển khai hoạt động sản xuất tại đây giúp công ty có thể có được nhiều thuận lợi trong việc phân phối hàng hóa quốc tế. Trong thời gian tới, Angst+Pfister dự kiến mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
“Chúng tôi cũng sẽ chuyển các bộ phận ở châu Âu sang Việt Nam, không chỉ vì lý do chi phí lao động, mà còn cả về các yếu tố như công nghệ hay hậu cần. Việt Nam đang trên đường trở thành một quốc gia kinh tế. Đất nước có rất nhiều thứ để cung cấp về mặt công nghệ cao và là một địa điểm thay thế mới ở châu Á” - ông Christof Domeisen bày tỏ.
Ở nước bạn Campuchia, báo điện tử ThmeyThmey đánh giá cao việc Việt Nam đạt tăng trưởng GDP trên 7%, vượt mục tiêu do Quốc hội đặt ra là 6,5%. Báo ThmeyThmey nêu, tăng trưởng của Việt Nam với 2 ngành dẫn đầu là dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ có đóng góp lớn nhất vào GDP với tỷ lệ 49,46%, tiếp đến là các ngành công nghiệp và xây dựng 45,17%.
Một nội dung đáng chú ý được ThmeyThmey nêu là việc dù năm 2024, Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai với những kỷ lục lịch sử, tuy nhiên, lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng 3,27%. Lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2023. Trong khi đó, hoạt động thương mại và du lịch có mức tăng trưởng cao nhất, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.
Theo nhận định được đăng tải trên trang tin SBM.News của Campuchia, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế liên tục của Việt Nam là nhờ vào quy mô xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài. SBM.News đánh giá, Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn của khu vực và được hưởng lợi từ đà phục hồi tiêu dùng toàn cầu.
Mặt khác, truyền thông Campuchia cho rằng, đà phục hồi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam trong năm qua còn được hỗ trợ từ việc Chính phủ tăng cường nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất năng lượng nhằm đảm bảo nguồn cung điện ổn định. Sản lượng điện trong nước tăng 9,6%, đạt 293,3 tỷ kWh.
Ông Joo-Ok Lee nhìn nhận, khi chuẩn bị cho một kỷ nguyên mới, cũng như để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần nắm bắt công nghệ mới và cũng cần chuyển đổi, đào tạo thêm. Việt Nam đang đi đúng hướng và sẵn sàng trang bị thêm những công cụ để đạt được những mục tiêu đề ra.
Như Quỳnh