Đại diện Phái đoàn Việt Nam phát biểu tại sự kiện thông qua Công ước Hà Nội. Ảnh: TTXVN phát
Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ngay khi công ước được thông qua, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã hoan nghênh kết quả này, nhấn mạnh đây là văn kiện pháp lý mang tính ràng buộc đầu tiên được đàm phán trong hơn 20 năm qua. Ông António Guterres đánh giá công ước là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương đang đi đúng hướng ở những thời điểm khó khăn và phản ánh ý chí chung của các thành viên LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn và đương đầu với tội phạm mạng. Tổng Thư ký LHQ bày tỏ tin tưởng rằng khi có hiệu lực, công ước mới sẽ giúp đảm bảo một không gian mạng an toàn, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tham gia công ước.
Về phần mình, Chủ tịch ĐHĐ LHQ Philémon Yang đánh giá cao tầm quan trọng của “Công ước Hà Nội” và coi đây là một công cụ mới để bảo vệ con người trong một thế giới nơi công nghệ thông tin và không gian số cho thấy tiềm năng to lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối đe dọa.
Điều 64 của Công ước qui định văn kiện sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Ảnh: TTXVN phát
Bà Ghada Waly, Giám đốc điều hành Văn phòng LHQ về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) đánh giá việc thông qua “Công ước Hà Nội” là một chiến thắng hết sức ý nghĩa của chủ nghĩa đa phương, đồng thời là bước tiến quan trọng trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế hướng tới việc xử lý các hành vi phạm tội trên không gian mạng như lạm dụng tình dục trẻ em, lừa đảo trực tuyến hay rửa tiền… Bà Waly tái khẳng định cam kết của LHQ ủng hộ tất cả các nước thành viên ký, phê chuẩn và thực thi công ước, cũng như sẵn sàng cung cấp các công cụ và hỗ trợ cần thiết để bảo vệ các nền kinh tế, đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Cùng ngày, Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) cũng đánh giá cao việc ĐHĐ LHQ thông qua “Công ước Hà Nội” là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa từ tội phạm mạng.
Thanh Tuấn (TTXVN)