Nhóm nhạc nữ KATSEYE gồm sáu thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Ảnh: HYBE AMERICA
Nhóm nhạc nữ đa quốc gia KATSEYE của HYBE, có trụ sở tại Mỹ, vừa lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100 ở vị trí thứ 92 vào ngày 17.5, trở thành nhóm nhạc K-pop đầu tiên làm được điều này mà không hoạt động tại Hàn Quốc.
Ca khúc Gnarly của họ theo thể loại hyperpop, hầu như không còn các yếu tố K-pop truyền thống, một bước ngoặt chiến lược có thể báo hiệu một giai đoạn phát triển mới cho thể loại này trên phạm vi toàn cầu.
Billboard cũng đã vinh danh KATSEYE và nhóm nhạc nữ NewJeans trong danh sách “21 Under 21” gồm những nghệ sĩ trẻ dưới 21 tuổi có sức ảnh hưởng lớn, một lần nữa khẳng định sức lan tỏa mạnh mẽ của K-pop ra ngoài biên giới Hàn Quốc.
BLACKPINK – Biểu tượng toàn cầu của K-pop đa quốc gia
Ra mắt năm 2016 dưới trướng YG Entertainment, BLACKPINK là hình mẫu tiêu biểu cho xu hướng toàn cầu hóa của K-pop khi chỉ có một thành viên "thuần" Hàn Quốc.
Lisa mang quốc tịch Thái Lan, Rosé sinh ra ở New Zealand và lớn lên tại Australia, Jennie từng sống và học nhiều năm ở New Zealand, chỉ có Jisoo là người duy nhất sinh ra và trưởng thành tại Hàn Quốc.
Chính xuất thân đa quốc tịch này đã giúp BLACKPINK kết nối mạnh mẽ với người hâm mộ toàn cầu, vượt khỏi phạm vi văn hóa Hàn Quốc.
BLACKPINK là đại diện tiêu biểu của làn sóng K-pop toàn cầu
Nhóm nhanh chóng thiết lập hàng loạt kỷ lục: MV How You Like That đạt hơn 1 tỷ lượt xem trên YouTube; album The Album bán được hơn 1,2 triệu bản trong năm đầu phát hành; đặc biệt, nhóm hiện sở hữu hơn 80 triệu người theo dõi trên Instagram, đây là con số cao nhất đối với nghệ sĩ nữ trên toàn cầu.
Tour diễn thế giới “BORN PINK” của BLACKPINK từ cuối năm 2022 - 2023 đã thu hút hơn 1,5 triệu khán giả, với nhiều đêm diễn cháy vé tại Los Angeles, London, Paris, Tokyo...
Đặc biệt, chỉ hai đêm concert tại Việt Nam vào tháng 7.2023 đã thu hút khoảng 67.000 khán giả và mang về doanh thu ước tính hơn 335 tỷ đồng (tương đương 14,1 triệu USD), trở thành một trong những sự kiện âm nhạc quốc tế lớn nhất từng được tổ chức tại Việt Nam.
Ngoài âm nhạc, BLACKPINK còn là biểu tượng thời trang toàn cầu khi các thành viên trở thành đại sứ thương hiệu cho những cái tên hàng đầu như Chanel (Jisoo), Saint Laurent (Rosé), Celine (Lisa) và Calvin Klein (Jennie).
Sự hiện diện mạnh mẽ trên các sàn diễn thời trang và tạp chí quốc tế giúp BLACKPINK đưa hình ảnh K-pop tiếp cận khán giả vượt ngoài âm nhạc.
Toàn cầu hóa mô hình K-pop
Khi chữ “K” trong K-pop ngày càng ít mang ý nghĩa về quốc tịch Hàn Quốc, thể loại này vẫn phát triển mạnh mẽ như một mô hình sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp. Tại Nhật Bản, thị trường nước ngoài lớn nhất của Hàn Quốc, mô hình K-pop được các công ty địa phương tích cực áp dụng.
Sky-Hi, cựu thần tượng và nhà sản xuất âm nhạc người Nhật, từng cảnh báo rằng ngành giải trí nước này có thể phụ thuộc vào Hàn Quốc nếu tiếp tục gửi tài năng ra nước ngoài.
Tuy nhiên, anh cũng đã tự mình áp dụng mô hình K-pop, thành lập hãng BMSG và cho ra mắt nhóm nhạc nam BE:FIRST, một ví dụ thành công khi đào tạo và sản xuất theo quy trình kiểu Hàn.
Ngay cả các công ty lớn cũng tham gia cuộc đua. Avex, hãng giải trí lâu đời của Nhật từng hợp tác với SM Entertainment từ thời BoA, cũng trình làng nhóm ONE OR EIGHT hướng đến thị trường toàn cầu, trong đó có kế hoạch debut tại Hàn Quốc.
Tại Đông Nam Á và Mỹ, nhiều nhóm nhạc được sản xuất theo quy chuẩn K-pop nhưng hoàn toàn không mang quốc tịch Hàn Quốc.
XGALX, công ty Hàn Quốc do nhà sản xuất người Mỹ gốc Hàn JAKOPS (Park Jun-ho) sáng lập, đã cho ra mắt nhóm nữ Nhật Bản XG vào năm 2022. Gần đây, nhóm biểu diễn tại lễ hội Coachella, Mỹ và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả phương Tây.
A20 May, một nhóm nhạc nữ Trung Quốc được thành lập bởi người sáng lập SM Entertainment Lee Soo-man. Ảnh: A20 Entertainment
Lee Soo-man, người sáng lập SM Entertainment, hiện cũng tái xuất với công ty mới mang tên A20 và đã ra mắt nhóm nữ người Trung Quốc A20 May.
Trong khi đó, diễn viên hài Jung Sung-han, nổi tiếng từ nhóm nhạc hài Cult Triple, đã góp phần sản xuất nhóm nam Philippines SB19, sau đó thành lập hãng đĩa riêng và cho ra mắt thêm hai nhóm khác tại Philippines là YGIG và PLUUS.
Một số nhóm nhạc còn đạt được thành tích ngay tại thị trường Hàn Quốc. NiziU, nhóm nhạc nữ Nhật Bản do JYP đào tạo, vừa giành chiến thắng đầu tiên tại chương trình âm nhạc Show Champion của MBC M với ca khúc Love Line. Đây là chiến thắng đầu tiên tại Hàn Quốc của một nhóm nhạc hoàn toàn không có thành viên Hàn.
Ông Yamamoto Joho, học giả K-pop tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), chia sẻ với Korea Times rằng: “K-pop không đơn thuần là âm nhạc Hàn Quốc. Đó là một phương thức sản xuất văn hóa bắt nguồn từ Hàn Quốc, được xác định bởi hệ thống đào tạo khắt khe và những chuẩn mực thẩm mỹ nhất định.”
Quan điểm này cho thấy điều quan trọng không còn là việc nghệ sĩ đến từ đâu, mà là họ được đào tạo và sản xuất như thế nào. Mô hình công nghiệp K-pop với các yếu tố như huấn luyện vũ đạo, thanh nhạc, kỹ năng trình diễn, quản lý hình ảnh... đang trở thành một công thức có thể được sao chép, tùy biến và áp dụng tại nhiều quốc gia khác nhau.
Thành công của các nhóm như BLACKPINK, KATSEYE, XG hay NiziU chứng minh rằng K-pop đã vượt qua ranh giới văn hóa và lãnh thổ. Khi "K" không còn là viết tắt của Korea, thì nó có thể đại diện cho một chuẩn mực toàn cầu mới trong ngành công nghiệp âm nhạc đại chúng.
NGHIÊM THANH