Về phạm vi điều chỉnh, Quy chế này quy định về phạm vi, đối tượng áp dụng, hình thức thưởng, quỹ tiền thưởng, tiêu chí xét thưởng, mức tiền thưởng, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét thưởng đột xuất và xét thưởng định kỳ hằng năm, thẩm quyền quyết định khen thưởng đối với cán bộ, công chức, người lao động theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ.
Đối tượng áp dụng gồm: Cán bộ, công chức, người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan VKSND tối cao; Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh.
Đối tượng không áp dụng: Công chức, viên chức, người lao động của Cơ quan điều tra, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh; Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Theo Quy chế, các hình thức thưởng gồm, thưởng đột xuất cho cán bộ, công chức, người lao động trong danh sách trả lương của cơ quan VKSND tối cao; Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh có thành tích công tác đột xuất quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy chế này.
Thưởng định kỳ hằng năm cho cán bộ, công chức, người lao động theo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, người lao động được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về nguyên tắc xét thưởng, theo Quy chế bao gồm: Bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời.
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao trao Giấy khen của Đảng ủy VKSND tối cao tặng các tổ chức đảng đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2024. (Ảnh minh họa)
Thưởng đột xuất chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức, người lao động có thành tích thực sự xuất sắc, nổi trội, sản phẩm đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến, đóng góp vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị.
Mỗi thành tích công tác đột xuất chỉ đề nghị thưởng một lần tương ứng với thành tích cá nhân đạt được.
Chưa xét thưởng đột xuất đối với cán bộ, công chức, người lao động trong thời gian cơ quan có thẩm quyền đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo, có vấn đề tham nhũng, tiêu cực được báo chí nêu đang được xác minh làm rõ.
Thưởng định kỳ hằng năm áp dụng đối với cán bộ, công chức, người lao động có kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Người có thẩm quyền quyết định thưởng hoặc đề nghị cấp trên xét thưởng ngay sau khi cán bộ, công chức, người lao động lập được thành tích công tác đột xuất, có đầy đủ hồ sơ đề nghị xét thưởng theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.
Hồ sơ đề nghị xét thưởng đột xuất, thưởng định kỳ hằng năm bảo đảm đúng thời hạn, thành phần, nội dung theo quy định. Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ đề nghị xét thưởng cho các cá nhân thuộc đơn vị trước khi trình cấp trên xét thưởng.
Ngoài ra, Quy chế cũng quy định về tiêu chí xét thưởng. Cụ thể, thưởng đột xuất áp dụng đối với cán bộ, công chức, người lao động thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Quy chế này, nếu đồng thời đạt được các tiêu chí sau đây:
Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị nơi công tác.
Không có nhiệm vụ được giao không hoàn thành do trách nhiệm của cá nhân.
Lập được thành tích công tác đột xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy chế này.
Đối với thành tích công tác đột xuất có sự tham gia đóng góp của nhiều người thì số lượng đề nghị xét thưởng tối đa là 5 người. Tỉ lệ cán bộ, công chức, người lao động được thưởng đột xuất trong 1 năm tối đa không vượt quá 20% tổng số người trong danh sách trả lương của cơ quan, đơn vị.
Mức tiền thưởng: Thưởng cho cán bộ, công chức, người lao động có thành tích công tác đột xuất bằng 3 lần mức lương cơ sở/người/1 lần thưởng.
Quy chế gồm 3 chương, 15 điều, có hiệu lực kể từ ngày 10/1/2025.
P.V