Cảng hàng hóa ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) ngày 13/1/2025. (Ảnh: TTXVN)
Theo các chuyên gia về thương mại, những phàn nàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các hành vi thương mại của Trung Quốc đã làm tăng khả năng Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn (PNTR) giữa hai nước bị bãi bỏ, dẫn đến các mức thuế quan trung bình lên đến 61%.
Nguy cơ cận kề
Ẩn trong loạt sắc lệnh hành pháp được đưa ra trong ngày đầu tiên nhậm chức của ông Trump là chỉ thị gửi tới Bộ trưởng Thương mại và Đại diện Thương mại "đánh giá các đề xuất lập pháp" liên quan đến Quy chế PNTR với Trung Quốc.
Quy chế này thường có tác dụng ngăn Chính phủ Mỹ áp đặt thuế quan đối với các đối tác thương mại, và đã được mở rộng cho Trung Quốc vào năm 2000, từ đó mở đường cho làn sóng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Loại bỏ quy chế này có thể dẫn đến việc tăng thuế tự động với mức có thể vượt xa những mức mà ông Trump đã áp đặt lên Trung Quốc cho đến nay.
Cuối tuần qua, ông Trump đã áp đặt mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến các biện pháp trả đũa từ nước này. Ông Trump từng đe dọa sẽ áp đặt thuế quan lên tới 60% với Trung Quốc.
Tháng trước, hai Hạ nghị sỹ John Moolenaar và Tom Suozzi đã đề xuất một dự luật bãi bỏ PNTR với Trung Quốc. Được gọi là "Đạo luật Khôi phục Công bằng Thương mại," dự luật lưỡng đảng này đề xuất đình chỉ quan hệ thương mại bình thường với Trung Quốc và tăng thuế đối với một số mặt hàng xuất khẩu của nước này lên 35-100% trong 5 năm tới.
Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi những lý luận về công bằng thương mại với Trung Quốc gia tăng, nhiều dự luật tìm cách bãi bỏ quy chế này đã được đưa ra tại Quốc hội nhưng đã không nhận được đủ sự ủng hộ để thông qua.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho biết các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa của ngày càng có nhiều sự ủng hộ đối với một dự luật như vậy. Điều này làm tăng khả năng thành công của các nỗ lực mới nhất nhằm bãi bỏ PNTR.
Ông Jim Lewis, Phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết PNTR có nguy cơ bị bãi bỏ vì quy chế này không còn hợp lý nữa, khi Trung Quốc không tuân theo các quy tắc thương mại toàn cầu.
Một chuyên gia tư vấn kinh doanh và hai luật sư cho biết nhiều khách hàng doanh nghiệp của họ đang chuẩn bị cho nguy cơ quy chế PNTR của Trung Quốc bị thu hồi.
Để đối phó, họ đang chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, đưa nhân viên nước ngoài trở về nước, không thực hiện các khoản đầu tư mới vào Trung Quốc và đàm phán lại một số hợp đồng chuỗi cung ứng để những chi phí phát sinh từ việc tăng thuế có thể được chuyển cho các bên khác chịu.
Hậu quả nặng nề
Hậu quả của việc loại bỏ PNTR với Trung Quốc sẽ rất lớn. Trong một báo cáo được chuẩn bị cho Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung (USCBC), các nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết tất cả hàng xuất khẩu phi nhiên liệu của Trung Quốc sang Mỹ, ngay cả khi chúng được sản xuất bởi các công ty Mỹ tại Trung Quốc, sẽ phải chịu mức thuế trung bình 61%, tăng so với mức 19% hiện tại.
Điều đó sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, gây mất việc làm và áp lực lạm phát. Cũng theo báo cáo này, việc loại bỏ quy chế thương mại nói trên có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm tới 1.900 tỷ USD trong 5 năm và cắt giảm 801.000 việc làm tại Mỹ.
USCBC mới đây cho biết tổ chức này không ủng hộ các nỗ lực bãi bỏ PNTR, dù Trung Quốc chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc Thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 - một thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc vào năm 2020 yêu cầu Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ trong vòng hai năm.
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)
USCBC cho rằng đó không phải là công cụ phù hợp để thay đổi hành vi của Trung Quốc. Đối với những người ủng hộ việc bãi bỏ PNTR, biện pháp này sẽ là một cách hiệu quả để chứng minh với Trung Quốc rằng Mỹ nghiêm túc trong việc giải quyết các hành vi thương mại của nước này.
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng nỗ lực này sẽ là một động thái hà khắc để khắc phục một vấn đề có thể được giải quyết bằng những cách khác, với ít tác động hơn đến nền kinh tế Mỹ.
Hiện tại, chỉ có bốn quốc gia - Cuba, Triều Tiên, Belarus và Nga - không có Quy chế PNTR với Mỹ. Ông Trump đã chứng minh rằng ông có các biện pháp khác để áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc mà không cần thu hồi PNTR.
Hơn nữa, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung có thể leo thang theo hướng nào còn chưa rõ. Ông Trump đã sử dụng thuế quan như một công cụ để đàm phán các thỏa thuận, khiến việc dự đoán mức thuế quan cuối cùng được áp đặt, nếu có, trở nên khó khăn.
Bên cạnh đó, cũng chưa rõ liệu có đủ sự ủng hộ tại quốc hội để loại bỏ PNTR hay không, và ngay cả khi có đủ sự ủng hộ, cũng không chắc liệu quốc hội có ưu tiên vấn đề này hơn những vấn đề khác hay không, và liệu quốc hội có bãi bỏ PNTR mà không có sự chấp thuận cuối cùng của ông Trump hay không.
Ông Derek Scissors, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết đảng Cộng hòa sẽ chỉ thông qua dự luật (để bãi bỏ PNTR) khi ông Trump yêu cầu họ thông qua.
Theo ông, điều duy nhất quan trọng là liệu ông Trump có “bật đèn xanh” cho việc này hay không. Một dự luật bãi bỏ PNTR cần 60 phiếu tại Thượng viện để được thông qua.
Trước đó, vào tháng 9/2024, trong “Tuần lễ Trung Quốc, khi Hạ viện bỏ phiếu với 25 dự luật liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung, dự luật bãi bỏ PNTR cũng không được đưa ra. Điều này cho thấy sự ủng hộ đối với dự luật này là điều chưa chắc chắn.
PNTR là kết quả của hơn 10 năm đàm phán để đưa Trung Quốc vào “nếp” thương mại toàn cầu. Diễn biến này cũng dẫn đến việc Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001.
Bà Susan Shirk, giáo sư tại Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu UC San Diego và là giám đốc danh dự tại Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 của trường, người đã tham gia các cuộc đàm phán thiết lập PNTR với Trung Quốc, cho biết một khi PNTR bị loại bỏ, hai nước có thể phải mất nhiều năm để đưa quan hệ thương mại bình thường hóa trở lại./.
(TTXVN/Vietnam+)