Quỹ đạo bay của 'Mũi tên phương Bắc'

Quỹ đạo bay của 'Mũi tên phương Bắc'
3 giờ trướcBài gốc
Những chiếc ô tô kẹt cứng giữa dòng xe cộ tháo chạy khỏi Sidon, Lebanon ngày 23/9. Ảnh: AP
Ngay sau khi chiến dịch “Kiếm sắt” của Israel nhằm đánh bại Hamas ở Dải Gaza tạm lắng để mở đường cho cơ hội đàm phán giữa hai bên, nhà nước Do Thái đã gấp rút mở “mặt trận thứ hai” - lần này là chống lại lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
Chiến dịch “Mũi tên phương Bắc” có quy mô lớn, được Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Israel định vị là “phòng thủ”, nhằm tạo ra một vùng đệm an ninh ở khu vực biên giới phía bắc của đất nước và đẩy các đơn vị Hezbollah tiến sâu vào lãnh thổ Lebanon, vượt ra ngoài sông Litani.
Cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah hiện nay có lẽ là một trong những cuộc đụng độ lớn nhất trong hai thập kỷ qua. Trong vòng chưa đầy 3 ngày, IDF đã tấn công ít nhất 1,5 nghìn mục tiêu ở miền nam Lebanon - hơn 550 người, trong đó có 50 trẻ em trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công. Sự hoảng loạn, số người chết do các cuộc đánh bom gia tăng bởi thực tế là các cuộc đột kích diễn ra theo từng đợt, khoảng thời gian giữa các đợt tấn công ngày càng ngắn hơn. Điều này làm phức tạp thêm việc sơ tán người dân, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã rất nghiêm trọng ở Trung Đông. Mặc dù trước đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cam kết mở hành lang nhân đạo để sơ tán người dân khỏi khu vực biên giới và “không trở thành lá chắn sống cho các lực lượng thân Iran”.
Trong khi đó, Hezbollah có vẻ như đã suy yếu sau các vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm và thiết bị điện tử ngày 17-18/9. Cường độ tấn công thấp hơn (so với Israel), phần lớn là đánh vào nỗi sợ hãi của người dân ở “khu vực hậu phương” của Israel.
Ngay sau làn sóng tấn công đầu tiên, ban lãnh đạo phong trào Hezbollah đã dỡ bỏ hạn chế đối với các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Israel, mở rộng phạm vi tấn công lên 120 km - gần như tăng gấp đôi. Kết quả là, không chỉ các thành phố biên giới Safed và Acre, nơi đã quen với các cuộc tấn công không kích của Hezbollah từ Lebanon, mà còn cả Haifa, Nazareth, hay thậm chí là Tel Aviv.
Các nhà lãnh đạo Hezbollah cũng ám chỉ rằng cuộc chiến của họ chống lại người Israel sẽ không còn “giới hạn ở trên không nữa”. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng của Israel có thể được bổ sung bằng các cuộc đột kích của Lực lượng Radwan, một đơn vị biệt kích tinh nhuệ của Hezbollah ở miền bắc Israel, cũng như làn sóng phản kháng ở Bờ Tây, nơi sự bất mãn với các chính sách của người Israel vẫn tiếp tục gia tăng.
Cộng đồng quốc tế theo dõi chặt chẽ những diễn biến phức tạp ở khu vực biên giới Israel - Lebanon. Các “trọng tài thế giới” do Liên hợp quốc và các nền tảng quốc tế khác đại diện đang bày tỏ lo ngại về sự leo thang, nhưng vẫn chưa chuyển từ lời nói thành hành động.
Mỹ có lẽ là quốc gia đang cảm thấy khó xử nhất với những gì đang xảy ra ở Trung Đông. Sau khi Israel bắt đầu chiến dịch “Mũi tên phương Bắc”, Mỹ với “nghĩa vụ của đồng minh”, đã nhanh chóng triển khai lực lượng bổ sung tới khu vực và thể hiện sự sẵn sàng can thiệp vào cuộc xung đột nếu an ninh của đồng minh bị đe dọa. Tuy nhiên, việc leo thang hơn nữa cuộc xung đột lại không có lợi cho Nhà Trắng, vốn vẫn chưa quyết định ranh giới đỏ nào để can thiệp quân sự trực tiếp. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực giảm thiểu sự hiện diện quân sự ở phía Đông nhiều nhất có thể trong những năm qua, không muốn gánh thêm gánh nặng do các cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông gây ra. Hơn nữa, việc chuyển cuộc đối đầu giữa Israel và Hezbollah sang giai đoạn mới, “nóng” hơn, làm cản trở “kế hoạch hòa bình Biden” ở Dải Gaza. Do giao tranh ở phía bắc, không bên nào sẵn sàng đàm phán sâu và điều này đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của Nhà Trắng trong việc đưa các con tin bị Hamas bắt giữ (trong số đó có cả công dân Mỹ) về quê hương vào giai đoạn cuối của cuộc đua tổng thống.
Những căng thẳng hiện nay ở Trung Đông có thể gây ra hậu quả lâu dài đối với chính sách đối ngoại của Mỹ, vì cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều chưa nghĩ ra cách xây dựng một cuộc đối thoại với đồng minh Israel mà không làm giảm xếp hạng của đảng mình. Vì lý do này, Mỹ rất có thể sẽ cố gắng đến cùng để tránh tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột, thực hiện nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt xung đột.
Cả Nga và Trung Quốc cảnh báo nguy cơ chiến tranh Israel - Lebanon là rất cao và tình hình có thể leo thang thành xung đột Trung Đông, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo khu vực. Đặc biệt là giọng điệu của Trung Quốc gay gắt hơn trong việc chỉ trích các hành động quân sự nhằm vào dân thường và thể hiện rõ ràng sự ủng hộ đối với Lebanon. Tuy nhiên, rõ ràng cả Bắc Kinh và Moscow đều không có kế hoạch can thiệp vào việc giải quyết cuộc xung đột này với tư cách là trung gian hòa giải, đưa Mỹ trở thành quốc gia tiềm năng nhất có thể thành công trong việc khôi phục sự cân bằng khu vực.
Các quốc gia trong khu vực nhận thấy mình ở một vị trí không rõ ràng, đặc biệt là những nước cố gắng bình thường hóa quan hệ với Israel, như UAE hay Bahrain. Mặc dù thực tế là không có thỏa thuận quân sự nào giữa các nước này với Israel, song nhà nước Do Thái có thể sử dụng “con bài” hợp tác về kinh tế, phát triển công nghệ cao để mặc cả và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước vùng Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, kịch bản mặc cả trên là không cao do Israel nhận thức được rằng, việc gây mâu thuẫn, bất đồng với các nước Ả Rập là rất rủi ro.
Có lẽ, chính sách của Iran, đồng minh chính của Hezbollah ở Lebanon và là đối thủ lớn nhất của Israel ở khu vực, là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Sự leo thang ở khu vực biên giới Lebanon - Israel đã đẩy Tehran vào thế khó xử. Một mặt, cơ hội đã xuất hiện để tấn công Israel bằng một mặt trận thống nhất (như bộ phận hiếu chiến nhất của “Trục kháng chiến” khẳng định) và thực hiện hành động quân sự trả đũa không chỉ vì chiến dịch “Mũi tên phương Bắc”, mà còn liên quan đến vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran và các cuộc tấn công khác của Israel nhằm vào các lực lượng trong “Trục kháng chiến” do Iran dẫn dắt. Mặt khác, sự can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột Israel - Hezbollah sẽ gây tổn hại đến chính sách đối ngoại của chính quyền tân Tổng thống Masoud Pezeshkian. Đặc biệt, nó sẽ loại trừ khả năng tiến hành đối thoại giữa Iran với các nước phương Tây, nếu không thì chương trình “đột phá kinh tế” của Tổng thống Masoud Pezeshkian sẽ sụp đổ.
Đánh giá các sự kiện gần đây cho thấy, cả Israel và Hezbollah đều tin tưởng rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột nếu tuân theo công thức “giảm leo thang thông qua leo thang”. Mỗi bên cố gắng “đẩy nóng”, nâng cao mức độ leo thang để đối thủ cảm thấy áp lực, nhưng lại không coi đó là một mối đe dọa hiện hữu và nhảy ra khỏi “vạc dầu” sớm. Vấn đề là “vạc dầu” mà Israel và Hezbollah luân phiên đốt nóng, không chỉ giới hạn ở khu vực biên giới Israel - Lebanon, mà còn bao trùm toàn bộ Trung Đông. Và trong tình trạng xung đột leo thang như hiện nay, không chỉ những người tham gia trực tiếp, mà cả những người quan sát bên ngoài cũng có nguy cơ bị “nấu chín”.
HÙNG ANH
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/quy-dao-bay-cua-mui-ten-phuong-bac-394122.html