Quỹ đầu tư 'săn' startup và cổ phần tư nhân

Quỹ đầu tư 'săn' startup và cổ phần tư nhân
2 ngày trướcBài gốc
Giữa tháng 12/2024 vừa qua, Kamereo – một startup cung cấp thực phẩm B2B (bán sỉ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh đã thành công huy động 7,8 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B từ các quỹ đầu tư quốc tế, bao gồm: Sumitomo Corporation, Inspire Co., Ltd., SMBC Venture Capital Co., Ltd., Mitsubishi UFJ Capital Co., Ltd.,…
Trước đó, trong quý III/2024 lần lượt các doanh nghiệp khởi nghiệp và các công ty vốn cổ phần tư nhân (FE), như CTCP Phúc Sinh; Công ty Every Half, startup thời trang D2C Coolmate… đã thành công trong việc huy động 8-15 triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn là Quỹ Green (Hà Lan), Quỹ DSG Consumer Partners, Quỹ Openspace Ventures và Quỹ Do Ventures.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO của Do Ventures, hoạt động đầu tư của các quỹ nước ngoài vào các doanh nghiệp startup và FE tại Việt Nam đang có sự khởi sắc mạnh mẽ và dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2025 và các năm tới. Vì Việt Nam đang nằm trong “thời điểm bản lề” của việc mở cửa các chính sách thúc đẩy môi trường hợp tác kinh doanh.
Từ góc độ của các quỹ đầu tư nước ngoài, bà Vy cho biết, trong tháng 9/2024, cùng với 4 quỹ khác (là AVV, Golden Gate Ventures, Mekong Capital và Monk’s Hill Ventures), do Ventures đã thành lập Câu lạc bộ Nhà đầu tư vốn tư nhân (VPCA). Đến thời điểm hiện nay, VPCA đã có sự tham gia của 40 quỹ đầu tư thành viên trong nước và quốc tế. Nhiều khả năng số lượng thành viên sẽ được nâng lên 100 quỹ vào cuối năm 2025.
Một nền tảng đặt hàng thực phẩm B2B đầu tiên tại Việt Nam
Cũng theo bà Vy, ngay sau khi thành lập, các thành viên của VPCA đã đặt ra mục tiêu kêu gọi 35 tỷ USD vốn đầu tư tư nhân dành cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đến năm 2035. Mục tiêu này, nếu so với lịch sử huy động vốn của khối startup và FE tại Việt Nam là khá tham vọng, vì mỗi năm phải huy động thành công số vốn khoảng 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, tính đến hiện tại, theo các thành viên VPCA, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để tranh thủ tăng trưởng nguồn vốn đầu tư từ các quỹ nước ngoài. Theo đó, Việt Nam đang là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, khi nhiều doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh (xếp thứ 44/133 quốc gia). Riêng trong năm 2024, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thu hút 529 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ các quỹ nước ngoài. Chưa kể rằng, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang có cơ sở để nâng hạng, góp phần thúc đẩy các hoạt động niêm yết, IPO và M&A trong các năm tới.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong năm 2025, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục quan tâm tập trung vào trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ khí hậu, fintech giáo dục và chăm sóc sứa khỏe. Trong đó, các công nghệ như AI tạo sinh (generative AI) và tự động hóa sẽ thu hút sự chú ý lớn, trong khi những đổi mới liên quan đến khí hậu có thể bùng nổ nhờ cam kết ESG toàn cầu.
Về cơ hội đầu tư, đại diện VPCA cho rằng cả các công ty startup và FE đều sẽ nhận được sự chú ý của các quỹ đầu tư, nhất là nhóm PE vì thị trường Việt Nam hiện nay đang thiếu thiếu các quỹ nội địa có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp ở giai đoạn tăng trưởng.
Đối với các startup gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn với định giá cao, trong năm tới thị trường có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn các khoản vốn bắc cầu (bridge funding) và điều chỉnh định giá. Đồng thời, các hình thức tài trợ như nợ đầu tư (venture debt) hay gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) sẽ phổ biến hơn khi nhà sáng lập muốn huy động vốn mà không phải pha loãng cổ phần.
Đối với lĩnh vực liên quan đến môi trường, khí hậu, ông Vũ Nguyên Khanh, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ VOF – VinaCapital cho rằng, sáng kiến ESG sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Các startup lĩnh vực liên quan đến ESG sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tài trợ hơn các nhóm lĩnh vực khác. Bởi ngoài việc dịch chuyển danh mục đầu tư theo hướng xanh hóa của các quỹ tài chính thì nhiều ngân hàng quốc tế có mặt tại Việt Nam và các NHTM lớn trong nước cũng đang rất chú trọng thúc đẩy các chương trình tín dụng xanh và lĩnh vực kinh tế xanh được Chính phủ Việt Nam kỳ vọng tăng từ 6,7 tỷ USD vào năm 2020 lên 300 tỷ USD vào năm 2050”, ông Khanh nhận định.
Đỗ Cường
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/quy-dau-tu-san-startup-va-co-phan-tu-nhan-159560.html