Liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do các quy định pháp luật, sáng 14/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp cùng với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh". Những ý kiến của doanh nghiệp tại hội thảo này sẽ được gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật để rà soát, tháo gỡ.
Các doanh nghiệp, chuyên gia pháp lý nhận định: sự “kém liên thông” của hệ thống pháp lý đã dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí, kéo dài thời gian. Cụ thể, doanh nghiệp có thể phải mất tới 10 bộ hồ sơ riêng biệt cho từng quy trình, trong đó phần lớn thông tin bị trùng lặp. Hay như 10 bộ hồ sơ nặng 10kg cho một thủ tục.
Bà Lê Thị Xuân Huế, Phó giám đốc Công ty Bower Group Asia, cho biết: “Chúng tôi từng bê 10kg tương ứng 10 bộ tài liệu cho một thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đầu tư. Vì Sở yêu cầu là cần có 10 bộ hồ sơ gửi cho các bộ, ngành xin ý kiến”.
Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), cho hay: “Khi đầu tư khu công nghiệp, người ta đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn, thế nhưng khi doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp lại phải làm lại những thủ tục ấy. Từ đó rất chồng chéo, mất thời gian, chi phí cho nhà đầu tư”.
Bên cạnh đó, nhiều quy định kiểm tra chuyên ngành chưa có hướng dẫn đầy đủ đang gây ách tắc hoạt động sản xuất kinh doanh. Đơn cử, các hình thức đầu tư theo hình thức hợp tác công tư chưa được quy định đầy đủ.
PGS.TS Dương Đăng Nguyên, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, nhận định: “Luật PPP cho biết 7 phương thức đầu tư theo hình thức này. Nhưng đến nay, mới có mình hình thức BOT được cụ thể hóa. Còn 6 loại hình kia chưa rõ, muốn phát triển cái này cần cụ thể hóa”.
Trước những băn khoăn này, đại diện Bộ Tư pháp cho biết hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đang tiến hành rà soát, thu thập các khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đề xuất các phương án xử lý theo tinh thần Nghị quyết 66. Các vướng mắc được chia sẻ sẽ được Bộ Tư pháp gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương.
Hoàng Hợp
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/quy-dinh-chong-cheo-gay-ach-tac-san-xuat-kinh-doanh-346759.htm