Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 5.2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Không làm phát sinh thủ tục hành chính
Theo Tờ trình dự thảo Nghị quyết do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày, Nghị quyết gồm 16 điều, quy phạm hóa 3 chính sách.
Chính sách 1, xử lý những vấn đề chung, có tính nguyên tắc nhằm bảo đảm hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Chính sách 2, xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nội dung của một số chủ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này được quyền quy định khác văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trình tự, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị và thẩm quyền quy định các nội dung trên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long
Chính sách 3, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa được quy định tại Nghị quyết nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Về tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành, dự thảo Nghị quyết quy định trách nhiệm của các cơ quan, người có thẩm quyền trong thực hiện, tổ chức thực hiện, giám sát thực hiện Nghị quyết và thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết.
Các nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết không làm phát sinh thủ tục hành chính, không dẫn đến nguy cơ bất bình đẳng giới sau khi được ban hành cũng như không có quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Bộ trưởng khẳng định.
Bổ sung quy định cho phép số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi sắp xếp có thể nhiều hơn số lượng tối đa
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết trình Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đầy đủ theo quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long
Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc xác định phạm vi điều chỉnh là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước như tại dự thảo Nghị quyết, nhưng đề nghị quy định cụ thể hơn các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy được áp dụng Nghị quyết để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, khi thực hiện sắp xếp bộ máy thì số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể sẽ cao hơn so với quy định hiện hành tại các luật, nghị quyết, nghị định. Do đó, đề nghị bổ sung quy định về việc cho phép số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí, sắp xếp và đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sáng kiến, đề xuất của Chính phủ về trình Quốc hội xem xét thông qua, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục của bộ máy nhà nước, của xã hội, của người dân, bảo đảm chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, khắc phục "khoảng trống" của pháp luật.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Trên cơ sở thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, tán thành với nội dung Chính phủ trình và ý kiến bổ sung của Thường trực Ủy ban Pháp luật là quy định cụ thể hơn các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy được áp dụng Nghị quyết để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện.
Khi thực hiện sắp xếp bộ máy thì số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể sẽ cao hơn so với quy định hiện hành tại các luật, nghị quyết, nghị định, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cân nhắc quy định nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi Nghị quyết được ban hành, cần có kế hoạch triển khai Nghị quyết và có danh mục các văn bản cần sửa đổi, bổ sung trong thời hạn hai năm.
Hoàng Ngọc