Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương tại Kết luận số 121-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII , tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận số 50-KL/TW ngày 28.2.2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và nhiệm vụ tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ sáng 13.2. Ảnh: Trung Thành
Nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật đã thể chế hóa kịp thời các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”. Đồng thời, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương.
Tuy nhiên, theo ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), với tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật đó là luật chỉ quy định những vấn đề lớn, mang tính nguyên tắc nhưng một số điều trong dự thảo Luật chưa quán triệt nội dung này.
ĐBQH Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) phát biểu tại phiên thảo luận tổ 15 sáng 13.2. Ảnh: Trung Thành
Ví dụ như các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, như Điều 29 về nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên Thường trực HĐND; Điều 32 về phiên họp Thường trực HĐND…
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh cho rằng, nếu quy định mang tính chất liệt kê thì sẽ rất dài, do đó đề nghị, cần rà soát để viết ngắn gọn lại, bảo đảm dễ thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.
Phát huy tính sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương
Một vấn đề lớn được các ĐBQH quan tâm trong phiên thảo luận tổ, đó là về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp.
Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình, ủng hộ và cho rằng đây là việc làm cần thiết để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp theo tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại tổ 15. Ảnh: Trung Thành
Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, giữa quy định tại Điều 14 về phân cấp cho chính quyền địa phương và Điều 15 ủy quyền cho chính quyền địa phương vẫn chưa có sự phân biệt rõ ràng, chưa cụ thể trường hợp nào thì được phân cấp và trường hợp nào thì được ủy quyền?
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phát biểu tại phiên thảo luận tổ 15. Ảnh: Trung Thành
Theo dự thảo Luật, có 2 tiêu chí được phân biệt giữa phân cấp và ủy quyền, đó là hình thức văn bản và thời gian thực hiện, tức là thực hiện thường xuyên, liên tục hoặc một số nhiệm vụ đối với việc phân cấp và thực hiện một số nhiệm vụ trong khoảng thời gian xác định đối với ủy quyền.
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông chỉ rõ, trong thực tế có thể phát sinh một số trường hợp thay vì phân cấp, thì các cơ quan và người có thẩm quyền lại tiến hành ủy quyền. Bởi, việc phân cấp thì tuân thủ theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật gây mất nhiều thời gian, còn ủy quyền thì bằng một văn bản hành chính.
Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị cần có sự rà soát kỹ lưỡng để phân biệt phân cấp và ủy quyền rõ ràng hơn.
Mặt khác, theo ĐBQH Vũ Ngọc Long (Bình Phước), việc phân cấp hiện nay là Trung ương chuyển về địa phương tự quyết nhưng cơ chế thực hiện như thế nào thì chưa rõ.
Ví dụ như khi làm dự án liên quan đến chuyển đổi đất rừng thì liên quan đến các bộ, ngành; hoặc việc cấp giấy phép hoạt động điện lực cho doanh nghiệp cũng phải từ cấp bộ, còn địa phương ủy quyền cho chính quyền địa phương chỉ đến điện sinh hoạt, trong khi Sở Công thương và chính quyền địa phương vẫn là nơi xác nhận và chịu trách nhiệm (?).
ĐBQH Vũ Ngọc Long (Bình Phước) phát biểu tại phiên thảo luận tổ 15 sáng 13.2. Ảnh: Trung Thành
Do đó, đại biểu Vũ Ngọc Long đề nghị, nếu phân cấp, phân quyền cho địa phương thì phân cấp luôn về quản lý ngành để tạo thuận tiện trong việc thực hiện.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với quy định có liên quan trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) về cách thức quy định các nguyên tắc về phân định thẩm quyền, về phân quyền, phân cấp, ủy quyền; bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền, đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền, phương thức và điều kiện bảo đảm thực hiện.
T. Thành