Ngày 22/1/2025, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Giáo dục và Đào tạo về việc xử lý thông tin phản ánh về quy trình tuyển dụng lao động; đăng ký thuốc; chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có quy định về dạy thêm, học thêm.
https://congdankhuyenhoc.vn/chinh-phu-y...
Hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường sao cho đúng đắn, hiệu quả cho cả thày và trò? Ảnh: Trần Văn Tâm
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT Quy định về dạy thêm, học thêm, có hiệu lực từ ngày 14/02. Ngoài quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường còn có quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Bức tranh chung về dạy thêm từ kết quả nghiên cứu, khảo sát mới nhất
Theo kết quả khảo sát của Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về đời sống giáo viên tại tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Hậu Giang trong tháng 9 và 10/2024 (phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp, khảo sát khoảng 12.500 giáo viên mầm non và phổ thông) cho thấy có 25,4% giáo viên dạy thêm trong trường và 8,2% có dạy thêm ngoài trường.
Các môn dạy thêm chủ yếu tập trung vào Toán, Ngữ văn, Anh văn, Lý, Hóa. Thời lượng dạy thêm tang theo ba cấp tiểu học - trung học cơ sở - trung học phổ thông là 8,6 - 13,75 - 14,91 giờ/tuần. Hình thức dạy thêm đa dạng: dạy thêm tại trường, tại nhà, ở trung tâm, online hoặc trên các kho dữ liệu học tập mở.
Cũng theo kết quả khảo sát, có gần 63,57% số giáo viên tham gia khảo sát cho biết họ có nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, để tăng thu nhập chính đáng bằng năng lực của mình.
Tại thời điểm khảo sát, thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về dạy thêm học thêm vẫn đang có hiệu lực, giáo viên vẫn biết rằng họ đang vi phạm nhưng do nhu cầu của học sinh và kiến thức quá nặng. Có thể nói, bức tranh dạy thêm, học thêm vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
Lập lại trật tự, nền nếp trong môi trường dạy thêm, học thêm là cần thiết. Ảnh: Trần Văn Tâm
Chất lượng với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường
Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, chỉ có 3 đối tượng học sinh được nhà trường tổ chức dạy thêm mà không thu tiền như: Học sinh chưa đạt yêu cầu bộ môn của học kỳ trước; Học sinh tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi; Học sinh lớp cuối cấp như lớp 9, 12 tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp. Quy định mới này hướng đến sự bình đẳng, tạo cho các em tâm lý không bị phân biệt trong môi trường giáo dục.
Bên cạnh đó, mọi hình thức dạy thêm diễn ra bên ngoài nhà trường, giáo viên được thu tiền theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh (điều 7). Tuy nhiên, theo quy định, giáo viên đang công tác trong trường công lập thì không được tổ chức, quản lý, điều hành các cơ sở dạy thêm học thêm (điều 4). Giáo viên cũng không được dạy học sinh của mình ở bất kỳ chỗ nào ngoài nhà trường như ở nhà riêng hay cơ sở dạy thêm (điều 4).
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ban hành đã có nhiều ý kiến băn khoăn của giáo viên về quy định dạy thêm ngoài nhà trường. Lý do chính vẫn là bởi nguồn thu nhập dạy thêm bị co thắt lại đáng kể so với trước đây.
Cũng có ý kiến cho rằng, đối với nhóm nhỏ từ vài ba em thì nên cho dạy thêm ở nhà riêng. Và giáo viên dù dạy thêm bao nhiêu em nếu có thu tiền thì cũng là hình thức kinh doanh nên làm đúng theo quy định trong Thông tư.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được nhiều Đại biểu Quốc hội đồng tình, với mong muốn lập lại nền nếp trong môi trường dạy thêm, học thêm mà bấy lâu nay có dấu hiệu mất kiểm soát, sinh ra nhiều tiêu cực.
Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo "siết" hoạt động dạy thêm như tinh thần của Thông tư thì đây có thể là một thành công của ngành giáo dục đào tạo, từng bước tiến tới sự đổi mới toàn diện giáo dục theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đã đề ra.
Cũng có thể nói, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT là cơ hội để giáo viên dạy thêm hợp pháp, kiếm thêm thu nhập chính đáng mà không bị ảnh hưởng tâm lý với điểm số trên lớp. Mỗi giáo viên đều có phương pháp khác nhau, có thể phù hợp với tư duy học sinh này chưa phù hợp với học sinh kia nên các em có thể tìm đến với giáo viên có phương pháp phù hợp nhất. Thông tư sẽ chấm dứt hiện tượng học sinh phải học nhiều giáo viên vừa để tiếp thu kiến thức vừa để kiếm điểm như trong thời gian qua.
Để xã hội có điểm nhìn đúng đắn về dạy thêm
Là một giáo viên dạy học nhiều năm, cũng từng tham gia dạy thêm nhưng từ khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ban hành, tôi hoàn toàn ủng hộ bởi mong muốn được hợp pháp hóa việc dạy thêm đã thành hiện thực và quan trọng hơn, Thông tư ra đời còn nhằm để bảo vệ danh dự của nhà giáo trước dư luận.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học đã trả lời báo chí nhiều lần về vấn đề dạy thêm. Theo ông, dạy thêm học thêm là nhu cầu có thật của cả người học lẫn người dạy. Thông tư mới không cấm dạy thêm, học thêm nhưng phải dạy thêm đúng quy định, tập trung có nơi có chỗ, minh bạch để dễ kiểm soát. Thầy cô giỏi chuyên môn, tận tình với học trò, chắc chắn sẽ có học sinh tìm đến theo kiểu "Hữu xạ tự nhiên hương".
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Thông tư mới tạo một môi trường dạy thêm học thêm minh bạch, đúng pháp luật và góp phần phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Thứ nhất, Thông tư sẽ chấm dứt hiện tượng có học sinh không có nhu cầu học thêm nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp của thầy cô đang dạy trên lớp để có điểm số đẹp, không bị đối xử khác biệt với các bạn có đi học thêm. Thông tư còn tạo điều kiện cho học sinh sắp xếp thời gian cân bằng giữa học tập và tập luyện thể thao nâng cao thể chất, phát huy năng khiếu.
Lâu nay, vẫn có tình trạng ở đâu đó, khi dạy thêm học sinh mình dạy trên lớp, giáo viên cắt giảm kiến thức trên lớp để kéo học sinh ra ngoài dạy thêm. Một số giáo viên còn giấu bí quyết, chỉ dạy trong lớp dạy thêm. Không chắc hẳn tất cả giáo viên đều như thế. Nhưng "một con sâu làm rầu nồi canh". Để tránh tình trạng này, Thông tư mới quy định cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình.
Thứ hai, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng đã đặt ra các yêu cầu cần đạt với từng môn học vừa sức học sinh, tránh áp lực không đáng có. Giáo viên chỉ dạy theo yêu cầu cần đạt, không dạy vượt quá yêu cầu đó. Với học sinh, ngoài những môn học bắt buộc, các em được chọn môn học phù hợp với năng lực, sở trường. Chủ trương đã rõ, người học đã biết, người dạy càng biết rõ hơn. Do đó, nhà trường có quyền tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh phát triển năng lực, đạt đến yêu cần cần đạt của chương trình.
Trần Văn Tâm