Nhiều kỳ họp Quốc hội đều thảo luận sôi nổi về xây dựng thể chế
Trong một kỳ họp Quốc hội gần đây, một vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu đại ý: Luật pháp, chính sách, cơ chế... đều do chính con người tạo ra; việc tổ chức thực hiện cũng là con người; nếu khi phát hiện “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, thì tự ta phải chủ động khơi thông để tạo đà thuận lợi cho việc triển khai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; không chấp nhận sự chần chừ và tình trạng đổ lỗi cho khách quan cứ kéo dài như vừa qua...
Trong tiến trình phát triển của đất nước hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều “điểm nghẽn” đa dạng. Nào là “điểm nghẽn” về luật pháp, giao thông, giải ngân vốn đầu tư; vấn nạn đùn đẩy, sợ trách nhiệm trong các công đoạn vận hành ở ngay trong một cơ quan, đơn vị, địa phương. Nào là sự chờ đợi, lãng phí thời gian, gây phiền hà, mệt mỏi cho dân vì bị “nghẽn” do các cơ quan chức năng đòi hỏi nhiều loại giấy tờ, thủ tục phi lý. Nhiều ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp cũng thiếu nhất quán nên công việc bị “nghẽn”...
Song có một điểm rất quan trọng ở tầm vĩ mô là “nghẽn” về cơ chế, chính sách. Ở tầm lập pháp, một số điều khoản của một bộ luật cụ thể, chỉ mới ban hành vài năm, đã không còn phù hợp với thực tiễn. Ở tầm hành pháp là việc chậm ban hành hướng dẫn thực hiện luật, nên cơ sở vướng như “gà mắc tóc” do cách hiểu và vận dụng khác nhau. Sự phối hợp giữa các ban, ngành chức năng, có lúc, có nơi “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” nên gây ra “nghẽn”.
Sau Hội nghị Trung ương 10 (khóa XIII) vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” chính là thể chế, cơ chế. Tổng Bí thư khẳng định: Tất cả các điểm nghẽn không phải do ai khác mà là do chính mình!
Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm gióng lên một hồi chuông thúc giục cả hệ thống chính trị vào cuộc để bắt tay thực thi, hành động.
Thể chế pháp lý hiểu một cách ngắn gọn là những quy định và chuẩn mực pháp lý như hiến pháp, luật pháp và các chính sách, cơ chế. Từ đó, để Nhà nước thiết lập khung pháp lý và hướng dẫn hành vi của các cá nhân, tổ chức, nhằm bảo đảm ổn định, thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ phát triển xã hội. Là những cán bộ được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao trọng trách, cùng các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, nhưng vì sao lại cứ “tắc nghẽn”, gỡ vẫn chưa ra?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó năng lực xây dựng, hoàn thiện pháp luật của đội ngũ cán bộ và các cơ quan chuyên môn là nguyên nhân chủ yếu. Vì năng lực hạn chế nên chưa đánh giá sát tình hình thực tiễn, giải pháp không sát đúng, thiếu tầm nhìn. Việc lấy ý kiến từ nhân dân, các nhà quản lý, nhà khoa học, tổ chức tọa đàm, hội thảo; tham khảo chính sách, pháp luật từ các nước phát triển... đôi khi mang tính hình thức.
Để gỡ “điểm nghẽn” về thể chế là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ. Trước hết, phải có biện pháp hiệu quả để “quy tụ” những cán bộ, nhà khoa học, nhà quản lý có năng lực vượt trội, một lòng tận hiến vì nước, vì dân vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật; thành lập các cơ quan chuyên môn đánh giá, thẩm định độc lập các chính sách, pháp luật trước khi ban hành.
Từ Đại hội VI (năm 1986), văn kiện của Đảng đã ghi rõ, Đảng cần đổi mới toàn diện, trong đổi mới thì trước hết là đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế. Theo đó, nhận thức phải luôn luôn đi liền với hành động, trong triển khai thực hiện phải quyết liệt, hiệu quả thì chắc chắn các “điểm nghẽn” sẽ được khai thông.
Tư duy cũng lại từ con người mà ra, hành động thế nào do con người quyết định. Vì vậy "điểm nghẽn" lớn nhất là con người, là công tác cán bộ. Vì vậy, cần có cơ chế sàng lọc những ai không dám làm, xây dựng bộ máy cán bộ tinh, gọn, mạnh; xử lý nghiêm những cán bộ, cơ quan, đơn vị có tư tưởng lợi ích nhóm, nhũng nhiễu dân và doanh nghiệp...
LÊ QUÝ HOÀNG