Đường giao thông phục vụ chữa cháy chung cư mini TP.HCM phải đáp ứng chiều rộng mặt đường thông thủy không nhỏ hơn 3,5m; chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 4,5m
UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 101/2024/QĐ-UBND quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) của cá nhân trên địa bàn.
Theo đó, đường giao thông phục vụ chữa cháy chung cư mini phải đáp ứng chiều rộng mặt đường thông thủy không nhỏ hơn 3,5m; chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 4,5m và đảm bảo thông thoáng tại mọi thời điểm.
Về bán kính cong của đường tối thiểu là 15m. Tại các nút giao cùng mức, bán kính rẽ xe cần đạt tối thiểu 10m và bán kính bó vỉa phải ít nhất là 3 m. Đường giao thông phục vụ chữa cháy cũng phải tuân thủ các quy định tại mục 6.2 và 6.5 của QCVN 06:2022/BXD, đảm bảo chịu được tải trọng của xe cứu hỏa.
Bên cạnh đó, kết cấu mặt đường phải bảo đảm chịu được tải trọng của chủng loại phương tiện chữa cháy của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Quyết định nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện quản lý Nhà nước về điều kiện đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy trên địa bàn TP.HCM. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tuân thủ quy định Luật Nhà ở năm 2023 và pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2024, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân; cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ tình hình hoạt động của các loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao trên địa bàn.
Từ đó, chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng theo đúng thẩm quyền và quy định pháp luật; triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố.
Còn Công an thành phố, UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên cơ sở ý kiến đề xuất của Sở Xây dựng chủ động xây dựng các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao.
Các loại hình này cần đảm bảo phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước đối với loại hình nhà ở, cơ sở dịch vụ cho thuê nêu trên.
Đồng thời, các đơn vị trên cần đề ra những giải pháp khả thi nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với nhà ở nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân, cơ sở dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao đang hoạt động trên địa bàn nhưng chưa đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
“Đình chỉ hoạt động ngay đối với các cơ sở không đủ điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có nguy cơ cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân”, ông Mãi chỉ đạo.
Quá trình thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc nội dung công việc cần có hướng dẫn của sở, ngành chuyên môn thì UBND thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động trao đổi, phối hợp với các đơn vị để thống nhất hướng xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật.
Chia sẻ tại họp báo kinh tế - xã hội thường kỳ hồi tháng 5 năm 2024, Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng Phòng Cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an TP.HCM cho biết, tính từ 15/12/2023 - 14/5/2024, thành phố xảy ra 234 vụ cháy, làm chết 10, bị thương 4 người, thiệt hại về tài sản ước tính thành tiền hơn 5 tỷ đồng.
Theo ông Huỳnh Ngọc Quang nguyên nhân gây cháy do sự cố trong sử dụng thiết bị điện; vi phạm các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy; bất cẩn trong sinh hoạt, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt…
Ngọc Duy