Nhiều doanh nghiệp, nhà xe lo sợ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh về quy định số giờ lái xe liên tục đối với tài xế.
Xử phạt chủ xe, tài xế nếu vi phạm
Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không được phép lái xe liên tục quá 4 giờ, thời gian làm việc trong ngày tối đa 10 giờ.Đồng thời, trong một tuần, nhóm tài xế này cũng được quy định không được lái xe quá 48 giờ.
Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định tài xế ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, nếu lái xe quá thời gian quy định nêu trên, hoặc không thực hiện đúng quy định về thời gian nghỉ giữa 2 lần lái xe liên tục sẽ bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng.
Hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe. Ngoài ra, chủ xe để cho tài xế của mình lái xe ô tô liên tục quá thời gian quy định, cũng sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng (cá nhân) và 8 - 12 triệu đồng (tổ chức).
Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông), quy định về thời gian lái xe nêu trên được kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ trước đây và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.
Theo quy định Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc bình thường của người lao động tại Việt Nam không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần. Đồng thời, việc quy định lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần cũng phù hợp theo Công ước Vienna về giao thông đường bộ.
Theo đó, sau 4 tiếng lái xe liên tục, người lái xe có thể nghỉ ngơi. Sau khoảng 15 phút, họ được phép lái xe tiếp tục hành trình. Mục tiêu cao nhất là giúp người lái xe được tỉnh táo, không bị mệt mỏi dễ dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn.
Khi lái tập trung quá lâu với thời gian hơn 4 tiếng liên tục, theo nguyên lý sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi. Việc nghỉ ngơi giúp hệ thần kinh ngắt tình trạng căng thẳng, giúp tái tạo sức lao động, đại diện Cục Cảnh sát giao thông lý giải.
Đồng thời, việc quy định thời gian lái xe, nghỉ ngơi của tài xế còn là biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lái xe, góp phần giảm thiểu rủi ro tai nạn khi tham gia giao thông. Việc thực hiện hiệu quả các quy định này cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa ý thức cá nhân và trách nhiệm của các tổ chức vận tải.
Cơ quan chức năng đồng thời khuyến cáo, tài xế khi lái xe cần giữ tâm lý thoải mái nhất, khi cảm thấy mệt mỏi hay buồn ngủ cần phải nghỉ ngơi ngay, dù có thể chưa đến 4 tiếng lái xe liên tục, tuyệt đối không nên “cố lái thêm”.
“Việc quy định thời gian nghỉ ngơi còn giúp ngăn ngừa nguy cơ người lái xe kinh doanh vận tải vì cố giữ tỉnh táo mà sử dụng chất kích thích, nguy cơ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm. Không có chất kích thích nào thay thế được việc nghỉ ngơi, cơ thể phải được phục hồi”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông thông tin.
Ngoài ra, trong các tình huống bất khả kháng, tài xế gặp kẹt xe trong thành phố hoặc điểm dừng xe nghỉ ngơi không bảo đảm, có thể tiếp tục hành trình để thoát khỏi khu vực đó.
Khi xem xét các tình huống, cảnh sát giao thông sẽ tính toán thêm các yếu tố liên quan, không chỉ tập trung vào xử phạt. Tuy nhiên, người lái xe sau khi thoát khỏi khu vực bất khả kháng, cần thực hiện ngay việc nghỉ ngơi, tránh lạm dụng để cố lái xe.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ông Lê Hoàng Chung, giám đốc một công ty vận tải tại Hà Nội nhận định, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại các điểm “nóng” trong thời gian gần Tết Nguyên đán đang khiến các quy định về thời gian lái xe trở nên khó thực hiện.
Tài xế thường phải chờ đợi nhiều giờ trong tình trạng kẹt xe, nhưng thời gian chờ vẫn bị tính vào giới hạn lái xe liên tục, gây nguy cơ vi phạm dù họ không di chuyển.
“Chúng tôi bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan: Hoặc vi phạm quy định, hoặc phải ngừng hoạt động”, ông Chung nói.
Cũng phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Bằng, giám đốc một nhà xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, doanh nghiệp sở hữu nhiều xe vận tải khách, nhưng hiện chỉ còn hoạt động hơn 50% do khó khăn trong việc duy trì số lượng tài xế. Trong khi lượng hành khách có xu hướng giảm do các hình thức đi xe ghép, xe cá nhân tăng lên.
“Nhiều tài xế quyết định chuyển nghề vì cảm thấy không còn muốn gắn bó với công việc do áp lực bị xử phạt, làm giảm nguồn thu. Điều này khiến các doanh nghiệp, nhà xe như chúng tôi đang ngồi trên “đống lửa” cùng nguy cơ phải dừng hoạt động”, ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, quy định lái xe không vượt quá 48 giờ mỗi tuần, 10 giờ mỗi ngày và 4 giờ liên tục khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khó khăn.
“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh quy định của pháp luật theo hướng giãn hoặc nâng thời gian lái xe”, ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, hiện nay hệ thống đường bộ của nước ta chưa đồng bộ, thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trên đường kéo dài cả về chiều dài đoạn đường bị ùn tắc và thời gian ùn tắc.
Hiệp hội kiến nghị cơ quan chức năng cần xem xét cho một dung sai nhất định ở mức dưới 10%. Nghĩa là nếu lái xe vượt quá 10% quy định của 4 giờ liên tục thì mới xử phạt.
Tiếp đến là thời gian lái xe trong tuần thì cũng nên tham khảo từ các nước và Hiệp hội kiến nghị nâng lên ở mức lái xe với thời gian từ 55 - 60 giờ/tuần. Trong trường hợp vi phạm, nếu xử phạt cả lái xe và xử phạt cả doanh nghiệp vận tải là không phù hợp. Bởi về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính thì ai vi phạm chỉ xử phạt người đó.
“Chúng tôi cũng đề nghị sửa quy định, nếu doanh nghiệp ép lái xe phải chạy vượt quá thời gian thì xử phạt doanh nghiệp. Còn trong trường hợp doanh nghiệp vẫn bố trí đủ người để đảm bảo thực hiện theo quy định mà lái xe vi phạm cố tình chạy quá giờ thì xử phạt lái xe chứ không xử phạt doanh nghiệp. Cần minh bạch, công bằng, ai vi phạm thì xử phạt người đó”, ông Quyền kiến nghị.
Bảo Hân