Quy định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cần được xây dựng theo hướng linh hoạt

Quy định hưởng Bảo hiểm thất nghiệp cần được xây dựng theo hướng linh hoạt
20 giờ trướcBài gốc
PGS.TS. Mạc Văn Tiến
PGS.TS. Mạc Văn Tiến - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Quản lý kinh tế đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề này.
Phóng viên: Theo như quy định hiện hành về Bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được hưởng là không quá 12 tháng (tương ứng với 144 tháng đóng Bảo hiểm thất nghiệp); thời gian đóng Bảo hiểm thất nghiệp vượt quá 144 tháng không được bảo lưu. Ông bình luận như thế nào về quy định này?
PGS.TS. Mạc Văn Tiến: Theo tôi, cần tiếp cận trên cơ sở bản chất của BH thất nghiệp. Đây là loại bảo hiểm ngắn hạn, có hai mục tiêu: (1) hỗ trợ người lao động trong thời gian bị mất việc làm thông qua trợ cấp thất nghiệp; (2) tạo điều kiện cho người lao động nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động bằng đào tạo lại, giới thiệu việc làm mới hoặc hỗ trợ khác có liên quan.
Như vậy, việc quy định hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp tối đa không quá 12 tháng nhằm mục tiêu thứ nhất (1). Từ góc độ mặt thiết kế chính sách, như đã nêu, Bảo hiểm thất nghiệp là một loại hình bảo hiểm ngắn hạn, nên về nguyên tắc, các phần thu - chi phải được cân đối trong năm, có chi phí dự phòng.
Do đó, khi thiết kế, phải dự tính được các khả năng thất nghiệp để đưa ra mức phí và mức thời gian trợ cấp. Điều này thể hiện tính chia sẻ trong hoạt động Bảo hiểm thất nghiệp, khác với bảo hiểm hưu trí.
Do vậy, theo cá nhân tôi, không bảo lưu thời gian đóng là phù hợp nguyên tắc trên. Tuy nhiên quy định hưởng tối đa không quá 12 tháng cần được cân nhắc phù hợp với tình hình thất nghiệp để có thể điều chỉnh linh hoạt.
Phóng viên: Ông có thể giải thích sâu hơn nữa về bản chất của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp để chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề toàn diện hơn, có cả tính lý luận và thực tiễn?
PGS.TS. Mạc Văn Tiến: Theo Công ước 102 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), Bảo hiểm thất nghiệp được coi là loại hình bảo hiểm ngắn hạn và trợ cấp thất nghiệp được quy định là một trong 9 loại trợ cấp thuộc Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên Bảo hiểm thất nghiệp có tính đặc thù, khác biệt so với các chế độ BHXH khác ở chỗ.
+ Phạm vi thất nghiệp không thể được dự đoán trước chính xác như các loại bảo hiểm khác do tính năng động của thị trường lao động.
+ Bảo hiểm thất nghiệp phải gắn liền với xúc tiến việc làm và các chương trình việc làm để điều chỉnh cung và cầu lao động trên thị trường.
Thất nghiệp là hiện tượng khách quan của nền kinh tế thị trường. Đây luôn là vấn đề phức tạp, phụ thuộc nhiều vào các hoạt động kinh tế với những chu kỳ bình thường (theo quy luật) hoặc bất thường về kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường.
Quá trình thiết kế chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm việc xây dựng các loại trợ cấp, mức trợ cấp và thời gian hưởng trợ cấp đều phải có tính linh hoạt, dựa trên mức độ phỏng đoán cao, để từ đó đưa ra các quy định phù hợp với thực tiễn.
Vì là loại bảo hiểm ngắn hạn, nên ở các quốc gia khác, nội dung này thường được giao cho Chính phủ quy định, qua đó đảm bảo tính linh hoạt, chủ động điều chỉnh khi cần thiết. Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc và khung, không quy định “cứng” về các mức hưởng, thời gian hưởng.
Với mục tiêu tích cực là sớm đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động, chính sách Bảo hiểm thất nghiệp các nước đều quy định rất rõ vấn đề dự phòng thất nghiệp. Họ thường xuyên chú trọng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, nhất là trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của công nghệ hiện nay. Đồng thời, khi người lao động bị thất nghiệp, cần thiết kế rõ các chương trình đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; cần bố trí kinh phí và người dạy phù hợp với nguyên tắc đáp ứng nhu cầu của người lao động và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Hiện nay vấn đề này trong thực tiễn ở nước ta còn khá bất cập khi các nghề trang bị cho người học chưa đáp ứng được yêu cầu.
Phóng viên: Cụ thể hơn, qua quá trình nghiên cứu của mình, ông có thể cho biết, thường các quốc gia sẽ quy định về nội dung này như thế nào?
PGS.TS. Mạc Văn Tiến: Thông thường ở các nước có những quy định sau:
- Về điều kiện hưởng: yêu cầu thời gian gần nhất phải có việc làm, được bảo hiểm; chẳng hạn là 4 tháng trong 6 tháng cuối cùng. Có nghĩa là để hưởng trợ cấp, người thất nghiệp phải có một quá trình làm việc nhất định và tham gia đóng trong một thời gian tối thiểu theo quy định.
- Về mức trợ cấp và thời hạn hưởng trợ cấp thất nghiệp: Mục đích của việc trả trợ cấp thất nghiệp là nhằm duy trì cuộc sống tối thiểu cho người thất nghiệp chứ không khuyến khích họ lạm dụng trợ cấp thất nghiệp, nảy sinh tâm lý không muốn đi làm việc.
Có 4 biện pháp hay được các nước áp dụng là:
+ Ấn định mức hưởng đồng đều cho tất cả mọi người thất nghiệp có chung điều kiện (thường bằng mức lương tối thiểu).
+ Xác định bằng một tỷ lệ, tính theo lương cá nhân. Đa số các nước xác định tỷ lệ hưởng bằng 40 - 60% tiền lương.
+ Xác định theo tỷ lệ lũy thoái: những tháng đầu được hưởng tỷ lệ cao, những tháng sau tỷ lệ thấp hơn. Ví dụ: ở Hungary, 3 tháng đầu được hưởng 70% tiền lương, 6 tháng sau được hưởng 50% và 3 tháng cuối là 40%,...
+ Xác định theo lũy tiến điều hòa: những người thuộc nhóm lương thấp thì được hưởng tỷ lệ cao và người ở nhóm lương cao được hưởng tỷ lệ thấp.
Về thời hạn hưởng, phụ thuộc vào thời gian đóng, tỷ lệ hưởng, khả năng thanh toán của quỹ và phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội (nhất là khả năng tiếp nhận của thị trường lao động, mức độ tạo việc làm mới của nền kinh tế). Thông thường ở các nước thời hạn hưởng được quy định khoảng từ 12 - 25 tuần. Ví dụ, ở Đức thời gian hưởng là 13 tuần, Áo 12 tuần, Canada 36 tuần, Italy 180 ngày...
Công ước 168 của ILO về xúc tiến việc làm và bảo vệ chống thất nghiệp (1988), cho phép hưởng tối đa chế độ thất nghiệp là 26 tuần đối với bất kỳ khoảng thời gian thất nghiệp nào; hoặc hưởng tối đa 39 tuần đối với thời gian thất nghiệp 24 tháng.
Có thể không được hưởng trong một thời gian nếu đó là thất nghiệp tự nguyện (tự ý bỏ việc), hay tham gia vào vụ tranh chấp lao động, từ chối không chấp nhận một việc làm phù hợp hay không tham gia các khóa đào tạo.
Phóng viên: Để góp ý sửa đổi quy định trên về Bảo hiểm thất nghiệp, ông sẽ đề xuất như thế nào?
PGS.TS. Mạc Văn Tiến: Theo tôi, trợ cấp thất nghiệp nên được coi là một chế độ Bảo hiểm xã hội ngắn hạn, có những điều kiện về thời gia tối thiểu trước khi được nhận quyền lợi hưởng. Ví dụ, có tổng số 6 tháng làm việc trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi thất nghiệp.
Thời gian hưởng trợ cấp không quá 12 tháng, trừ những trường hợp đặc biệt (ví dụ: suy thoái kinh tế); tối đa không quá 24 tháng theo Công ước 168 của ILO. Nên nghiên cứu để quy định tỷ lệ hưởng lũy thoái như nêu trên để thúc đẩy người lao động nhanh quay trở lại thị trường lao động.
Phóng viên: Xin được cảm ơn những chia sẻ của ông!
Minh Đức
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/quy-dinh-huong-bao-hiem-that-nghiep-can-duoc-xay-dung-theo-huong-linh-hoat.html