Dòng phương tiện dừng chờ đèn đỏ ngay ngắn tại ngã tư Hà Huy Giáp - Võ Thị Sáu (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Thành
Tự giác chấp hành
Trước đây, tại Cụm nút giao Cổng 11 (giao giữa quốc lộ 51, đường Bùi Văn Hòa và đường Võ Nguyên Giáp, qua thành phố Biên Hòa), mỗi khi có đèn đỏ vẫn còn tình trạng các phương tiện cố tình vượt đi tiếp hoặc dừng xe lố vạch kẻ. Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình trạng trên đã gần như chấm dứt khi dòng xe lập tức dừng lại ngay trước vạch kẻ lúc đèn tín hiệu chuyển sang đỏ.
Đây là kết quả bước đầu khi Nghị định số 168/NĐ-CP/2024 ngày 26-12-2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 với việc tăng cao mức phạt nhiều hành vi vi phạm. Trong đó có nhiều hành vi có mức phạt tăng nhiều lần so với mức cũ, điển hình như hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ), người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng (quy định cũ phạt từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng), người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt từ 18-20 triệu đồng (mức phạt cũ là 4-6 triệu đồng).
Anh Nguyễn Công Hậu (ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) bộc bạch, ngày 2-1, khi trụ đèn giao thông ở ngã tư Bến Gỗ bị trục trặc, đèn đỏ kéo dài hơn 20 phút nhưng không một ai dám vượt qua. Việc này đã thể hiện rõ ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân đã thay đổi do tác động mạnh từ việc tăng mức xử phạt. Ngoài ra, cũng cho thấy các vấn đề phát sinh từ hệ thống báo hiệu giao thông, hạ tầng đường bộ vẫn còn bất cập, sự cố kỹ thuật cần được quan tâm xử lý kịp thời.
Nhiều ý kiến cho rằng, để người tham gia giao thông thuận lợi chấp hành quy định mới của Nghị định 168, cơ quan chức năng cần phải thường xuyên rà soát các bất cập về hạ tầng trên đường bộ. Cụ thể là thường xuyên kẻ lại các vạch trên đường, rà soát hệ thống đèn tín hiệu (nhất là vào mùa mưa, dễ xuất hiện sự cố về điện), chấn chỉnh ngay các biển báo đang bị che khuất… để thuận tiện cho người dân quan sát khi tham gia giao thông.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực nêu trên, thực tế vẫn còn không ít người điều khiển phương tiện còn thực hiện các hành vi vi phạm như: vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đi ngược chiều… Nhất là tại một số đoạn đường nhiều năm nay “nhức nhối” với tình trạng đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm như: quốc lộ 1 đoạn qua phường Tân Biên và phường Tân Hòa (thành phố Biên Hòa), quốc lộ 1 qua Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom)…; hoặc tình trạng xe máy chạy vào làn xe ô tô bất chấp dải phân cách biên trên quốc lộ 51 (thành phố Biên Hòa).
Công an tỉnh khuyến cáo, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham gia giao thông, người dân cần nêu cao tinh thần tự giác chấp hành nghiêm Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024, chủ động phòng tránh TNGT; đồng thời, tích cực tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về trật tự ATGT.
Cần đảm bảo đồng bộ hạ tầng và quy định
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), khi xử lý trường hợp vi phạm không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, lực lượng chức năng sẽ phối hợp trích xuất camera, hình ảnh vi phạm của người điều khiển. Đồng thời, cục có văn bản đề nghị công an các địa phương, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát việc hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu, khi phát hiện hư hỏng sẽ kiến nghị đơn vị chịu trách nhiệm sớm sửa chữa, nâng cấp.
Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa kiểm tra người điều khiển xe máy không lắp kính chiếu hậu. Đây là hành vi có mức phạt từ 400-600 ngàn đồng theo Nghị định 168 (mức phạt cũ từ 100-200 ngàn đồng).
Về phía Đồng Nai, UBND tỉnh vừa yêu cầu Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức điều hòa giao thông ngay trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025. Các sở, ngành phải lưu ý rà soát bổ sung hệ thống biển báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế... Trong đó, chú trọng tăng cường giải pháp công nghệ giám sát từ xa để có phương án xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, đặc biệt là tại các vị trí có tình hình giao thông phức tạp, thường xuyên có va chạm giao thông.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Biên Hòa vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tuyên truyền các thông điệp tạo sự chú ý cho người tham giao thông gắn liền với Nghị định 168 như: “đã uống rượu, bia - không lái xe”, “không phóng nhanh, vượt ẩu, chuyển hướng bất ngờ”, “không sử dụng điện thoại khi lái xe”, “không chở quá số người quy định”, “không vượt đèn đỏ, quan sát khi qua các ngã ba, ngã tư”…
Theo nhận định của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, thời gian qua, ý thức tham gia giao thông của người dân đã nâng cao rất nhiều nhưng vẫn tồn tại một bộ phận người dân cố tình vi phạm gây nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh. Chính vì vậy, việc nâng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông đường bộ không nhằm vào xử phạt, mà cốt lõi là để tạo ra sự răn đe từ sớm đến những người có ý định vi phạm. Qua đó, hướng tới việc thay đổi suy nghĩ, nâng cao nhận thức cho người tham gia giao thông.
Minh Thành