Sổ đỏ là gì?
Hiện nay, không có một văn bản nào quy định về khái niệm sổ đỏ. Sổ đỏ là ngôn ngữ thường để gọi "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất". Do màu sắc bên ngoài của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mẫu cũ có màu đỏ mà người dân thường hay gọi là sổ đỏ.
Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được hiểu như sau:
+ Là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
+ Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
+ Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của các luật có liên quan được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024 có giá trị pháp lý tương đương như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Luật này.
Khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai 2024 quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mẫu thống nhất trong cả nước.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo quy định nêu trên "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" hay sổ đỏ sẽ được cấp cho người có quyền sử dụng đất theo mẫu thống nhất trong cả nước.
Pháp luật đã quy định những mức phạt, hình phạt rất nặng đối với từng hành vi cụ thể của người vi phạm việc làm sổ đỏ giả. Ảnh minh họa: TL
Làm sổ đỏ giả sẽ bị xử phạt thế nào?
Hình thức xử phạt chính
Khoản 3 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định:
"Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp sử dụng giấy tờ giả trong thực hiện thủ tục hành chính và các công việc khác liên quan đến đất đai mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự".
Căn cứ theo quy định trên nếu hành vi sử dụng Giấy chứng nhận giả để chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tối đa là 20 triệu đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung
Ngoài việc phạt tiền thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng (theo khoản 4 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)
Biện pháp khắc phục hậu quả
Căn cứ khoản 5 Điều 27 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, trường hợp cơ quan đăng ký đất đai đã đăng ký biến động vào sổ địa chính mà phát hiện giấy tờ trong hồ sơ đăng ký biến động (hồ sơ đăng ký sang tên là giả) thì hủy bỏ kết quả thủ tục đăng ký biến động khi chuyển nhượng.
Ngoài việc quy định mức phạt đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả thì Nghị định 123/2024/NĐ-CP còn quy định mức xử phạt đối với trường hợp khai báo không trung thực, tẩy xóa, sửa chữa giấy tờ nhà đất, cụ thể:
- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với trường hợp khai báo không trung thực việc sử dụng đất hoặc tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận và việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị sai lệch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng đối với trường hợp tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất mà không thuộc các trường hợp trên.
Theo các quy định nêu trên người dùng Sổ đỏ giả để mua bán nhà đất bị xử phạt vi phạm hành chính lên tới 20 triệu đồng nếu bị phát hiện và còn thời hiệu; nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù với khung hình phạt cao nhất là chung thân theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong trường hợp nào thì hành vi làm sổ đỏ giả bị coi là cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Hành vi làm sổ đỏ giả bị coi là cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong những trường hợp mà người làm sổ đỏ giả để thực hiện hành vi gian dối, nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Các yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm:
Hành vi gian dối
Người phạm tội sử dụng thủ đoạn gian dối để tạo niềm tin cho người khác về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất, từ đó khiến họ tin tưởng và giao tài sản (thường là tiền) hoặc các lợi ích vật chất khác. Thủ đoạn gian dối ở đây là việc sử dụng sổ đỏ giả để chứng minh quyền sở hữu đất không có thật.
Chiếm đoạt tài sản
Mục đích cuối cùng của người phạm tội là chiếm đoạt tài sản của người khác. Việc chiếm đoạt có thể thể hiện qua nhiều hình thức, chẳng hạn như:
- Lừa bán đất bằng sổ đỏ giả, chiếm đoạt tiền của người mua.
- Thế chấp sổ đỏ giả để vay tiền ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng, sau đó chiếm đoạt số tiền vay được.
- Sử dụng sổ đỏ giả để làm tin, vay mượn tiền của người khác.
Giá trị tài sản chiếm đoạt
Theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, giá trị tài sản bị chiếm đoạt là một yếu tố quan trọng để xác định khung hình phạt:
Nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp đặc biệt (đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ), thì hành vi làm giả sổ đỏ cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nếu giá trị tài sản chiếm đoạt càng lớn, khung hình phạt sẽ càng nghiêm khắc.
Các yếu tố khác
Ngoài ra, hành vi làm giả sổ đỏ có thể bị coi là cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu thỏa mãn một trong các dấu hiệu sau:
- Có tổ chức.
- Có tính chất chuyên nghiệp.
- Tái phạm nguy hiểm.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
- Dùng thủ đoạn xảo quyệt.
L.Vũ (th)