Quy định mới nhất về số giờ lái xe, hàng triệu tài xế nên biết để không vi phạm

Quy định mới nhất về số giờ lái xe, hàng triệu tài xế nên biết để không vi phạm
4 giờ trướcBài gốc
Quy định mới nhất về số giờ lái xe của tài xế
Mới đây, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 71/2024 quy định về quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Điểm chú ý tại Thông tư này có nội dung quy định người lái xe ôtô kinh doanh vận tải, ôtô chở người từ 8 chỗ trở lên không lái xe quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.
Cụ thể, Điều 13 Thông tư số 71/2024 quy định trách nhiệm của người lái xe ôtô kinh doanh vận tải, ôtô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, ôtô đầu kéo, xe cứu thương và xe cứu hộ, như sau:
Chịu trách nhiệm quản lý thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe trong thời gian được giao lái xe.
Chấp hành về thời gian lái xe theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Thời gian lái xe của người lái xe ôtô không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động.
Thông báo kịp thời cho đơn vị kinh doanh vận tải, chủ phương tiện khi thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe không hoạt động hoặc mất kết nối.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định hệ thống dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe, bao gồm: dữ liệu định danh, dữ liệu hành trình, dữ liệu hình ảnh người lái xe.
Dữ liệu định danh bao gồm: Tên đơn vị kinh doanh vận tải, mã số thuế, tên cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải, biển số xe, số người được phép chở của phương tiện hoặc tải trọng cho phép phương tiện tham gia giao thông đường bộ, loại hình kinh doanh.
Dữ liệu hành trình bao gồm: Biển số xe, số giấy phép lái xe, tốc độ, thời gian, tọa độ và các thông tin này được cập nhật liên tục.
Dữ liệu hình ảnh người lái xe bao gồm: Biển số xe, số giấy phép lái xe, tốc độ, thời gian, tọa độ, hình ảnh người lái xe và các thông tin này được cập nhật liên tục.
Dữ liệu hành trình, dữ liệu hình ảnh người lái xe từ máy chủ dịch vụ được truyền theo cấu trúc bản tin quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này về máy chủ của Cục CSGT trong thời gian không quá hai phút đối với dữ liệu hành trình, không quá 5 phút đối với dữ liệu hình ảnh người lái xe, kể từ thời điểm máy chủ dịch vụ nhận được dữ liệu.
Trường hợp đường truyền bị gián đoạn, chậm nhất trong thời hạn không quá 5 ngày phải gửi đồng thời dữ liệu cũ và dữ liệu hiện tại khi đường truyền hoạt động bình thường và phải có sự chấp thuận của Cục CSGT.
Dữ liệu cũ được truyền theo một kênh truyền riêng, độc lập với kênh truyền dữ liệu hiện tại. Sau khi hết thời hạn truyền lại dữ liệu cũ, hệ thống sẽ thực hiện tính toán lại toàn bộ các thông số.
Theo Thông tư số 71/2024, ôtô chở người từ 8 chỗ trở lên không lái xe quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ trong một tuần. Ảnh minh họa: TL
Làm sao để giám sát được thời gian lái xe ô tô của người tham gia giao thông?
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 7/2022/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 2 Nghị định 1/2024/NĐ-CP quy định về quy định về thiết bị giám sát hành trình của xe như sau:
"Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.
Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu sau đây:
+ Lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam);
+ Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và được kết nối, chia sẻ với Bộ Công an (Cục Cảnh sát giao thông), Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) để thực hiện quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông; an ninh, trật tự; thuế; phòng, chống buôn lậu.
Cục Đường bộ Việt Nam lưu trữ dữ liệu vi phạm của các phương tiện trong thời gian 03 năm".
Theo quy định nêu trên, thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải đảm bảo lưu trữ và truyền dẫn các thông tin gồm: Hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Cục Đường bộ Việt Nam).
Như vậy, thông qua thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô có thể giám sát được thời gian lái xe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Xử phạt vi phạm đối với hành vi lái xe quá giờ quy định
Đối với tài xế lái xe ô tô quá thời gian làm việc/ngày
Căn cứ tại Đểm d, Khoản 6 và Điểm a, Khoản 8, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật giao thông đường bộ.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 4 (trường hợp vượt trên 50% đến 100% số người quy định được phép chở của phương tiện); Điểm c, Điểm d, Điểm e Khoản 3; Điểm a, Điểm b, Điểm c, Điểm d, Điểm đ, Điểm e, Điểm h, Điểm i, Điểm k, Điểm l, Điểm m, Điểm o, Điểm q Khoản 5; Khoản 6; Điểm b Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
Theo đó, người tài xế điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định (quá 10 giờ/ngày và lái xe liên tục quá 4 giờ) tại Khoản 1, Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước bằng lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Đối với chủ phương tiện giao cho người làm công, cho người điều kiển phương tiện thực hiện hành vi điều kiển xe quá thời gian quy định
Căn cứ Điểm d, Khoản 8, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP có quy định xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ:
"Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 6 Điều 23; Điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 6 Điều 23; Điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định này".
Như vậy, trong trường hợp trên, công ty là chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng vì là tổ chức.
L.Vũ (th)
Nguồn GĐ&XH : https://giadinh.suckhoedoisong.vn/quy-dinh-moi-nhat-ve-so-gio-lai-xe-hang-trieu-tai-xe-nen-biet-de-khong-vi-pham-172241220170711851.htm